Điều 78. Tên gọi của pháp nhân
- Pháp nhân phải có tên gọi bằng tiếng Việt.
- Tên gọi của pháp nhân phải thể hiện rõ loại hình tổ chức của pháp nhân và phân biệt với các pháp nhân khác trong cùng một lĩnh vực hoạt động.
- Pháp nhân phải sử dụng tên gọi của mình trong giao dịch dân sự.
- Tên gọi của pháp nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ.
Bình luận:
Lí lịch của pháp nhân là tổng hợp các yếu tố pháp lí để cá biệt hóa giữa các pháp nhân với nhau khi tham gia vào các quan hệ pháp luật. Tên gọi của pháp nhân là một trong các yếu tổ lý lịch của pháp nhân, qua đó để nhận diện, định danh pháp nhân.
Tên gọi của pháp nhân là tên riêng của pháp nhân để sử dụng trong các quan hệ pháp luật, trong kinh doanh nhằm cá thể hóa các pháp nhân. Tên gọi của pháp nhân phải thỏa mãn các điều kiện sau đây:
– Pháp nhân phải có tên gọi bằng tiếng Việt: trên thực tế, khi pháp nhân giao dịch thường dùng tên tiếng Anh. Tuy nhiên, tên gọi của pháp nhân phải bằng tiếng Việt và tên tiếng Anh chỉ là tên dịch lại từ tên gốc tiếng Việt. Pháp luật quy định tên gọi của pháp nhân phải bằng tiếng Việt bởi vì pháp nhân mang quốc tịch Việt Nam thì phải tuân theo truyền thống, văn hóa của dân tộc Việt Nam. Ngoài ra, pháp nhân là doanh nghiệp có thể sử dụng tên thương mại bằng tiếng nước ngoài để thuận tiện trong giao dịch với doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài.
– Tên gọi của pháp nhân phải thể hiện rõ loại hình tổ chức của pháp nhân và phân biệt với các pháp nhân khác trong cùng một lĩnh vực hoạt động, cấu tạo của một tên gọi của pháp nhân bao gồm: loại hình pháp nhân + lĩnh vực hoạt động pháp nhân + tên riêng của pháp nhân. Tên gọi của pháp nhân có thể đầy đủ ba thành tố trên (Ví dụ: Công ty cổ phần Dệt may Phương Nam – Đây là tên gọi có đầy đủ 3 thành tố: loại hình pháp nhân là công ty cổ phần; lĩnh vực hoạt động là dệt may; tên riêng là Phương Nam) hoặc cũng có rất nhiều trường hợp tên pháp nhân không đầy đủ 3 thành tố trên (Ví dụ: Công ty cổ phần Duy Ngọc. Tên gọi này chỉ bao gồm 2 thành tố: loại hình pháp nhân là công ty cổ phần; tên riêng của pháp nhân là Duy Ngọc).
Đối với các pháp nhân hoạt động trong cùng một lĩnh vực thì tên pháp nhân phải phân biệt với các pháp nhân khác. Nêdu tên của pháp nhân gây nhầm lẫn, không phân biệt được thì tên gọi đó không được chấp nhận.
Pháp nhân phải sử dụng tên gọi của mình trong giao dịch dân sự. Trong các giao dịch dân sự, pháp nhân tham gia với tư cách chủ thể trong quan hệ. Pháp nhân là chủ thể độc lập và nhân danh chính mình trong các giao dịch đó. Do đó, pháp nhân phải sử dụng trên gọi của chính mình. Pháp nhân không được sử dụng tên gọi của pháp nhân khác hoặc tên gọi không đáp ứng các điều kiện đã nêu; pháp nhân cũng không được sử dụng tên gọi chưa đăng ký, hoặc tên gọi khác với tên gọi đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tên gọi của pháp nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ. Tên gọi của pháp nhân đáp ứng đầy đủ các điều kiện do pháp luật quy định thì được pháp luật công nhận. Việc công nhận được thực hiện qua các trình tự, thủ tục đăng kí thành lập pháp nhân hay việc ghi nhận tên gọi trong quyết định thành lập pháp nhân. Bất kì hành vi xâm phạm đến tên gọi của pháp nhân một cách trái phép đều bị xử lý theo quy định của pháp luật. Các hành vi xâm phạm tên gọi của pháp nhân phổ biến trên thực tế như: hành vi sử dụng trùng tên gọi của pháp nhân qua đó nhằm trục lợi bất chính; sử dụng tên gọi gần giống của pháp nhân để gây ra nhầm lẫn cho khách hàng….
Bên cạnh quy định chung về tên gọi của pháp nhân mà các doanh nghiệp cũng phải tuân thủ theo thì trong Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định chi tiết, cụ thể về vấn đề này, áp dụng đối với pháp nhân là doanh nghiệp. Theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật doanh nghiệp năm 2014, tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:
+ Loại hình doanh nghiệp. Tên loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp danh ” hoặc “công ty HD ” đối với công ty hợp danh.
+ Tên riêng. Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp, bao gồm: (i) Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký. Theo Điều 42 Luật Doanh nghiệp năm 2014, tên trùng là tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được viết hoàn toàn giống với tên tiếng Việt của doanh nghiệp đã đăng ký; còn tên gây nhầm lẫn bao gồm các trường hợp sau đây: (1) Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống như tên doanh nghiệp đã đăng ký; (2) Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký; (3) Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký; (4) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, số thứ tự hoặc các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt và các chữ cái F, J, Z, W ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó; (5) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi ký hiệu “&”,“.”, “+”,“-”,“_”; (6) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc “mới” ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký; (7) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông” hoặc từ có ý nghĩa tương tự; (ii) Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó; (iii) Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.