Châu Âu Trong Tính Toán Chính Sách Của Mỹ Qua Tiếp Cận Nguyên Tắc Bốn Chữ P Của Mỹ

GS.TS.NGUYỄN THÁI YÊN HƯƠNG

( Giảng viên cao cấp, khoa chính trị quốc tế và ngoại giao – Học viện Ngoại giao, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Pháp luật Kinh doanh và Đầu tư châu Âu, Hội Luật gia Việt Nam )

Tóm tắt: Thế kỷ XXI đã bước sang thập niên thứ ba với những biến đổi không được dự báo trước tạo nên nhiều cuộc tranh luận về mối quan hệ giữa các trung tâm quyền lực trong hệ thống quốc tế. Cạnh tranh Mỹ – Trung dường như thu hút sự chú ý của hầu hết các nhà nghiên cứu quốc tế, khu vực và cả ở Việt Nam. Tuy nhiên, đối Mỹ, một mối quan hệ không thể không đề cập tới, đó là mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương với các đồng minh, đối tác ở Châu Âu, mà cụ thể ở đây là Liên Minh Châu Âu. Có thể nhiều nhà nghiên cứu đặt ra câu hỏi cần giải đáp là hiện nay, với sự tập trung của các chính quyền gần đây ở Mỹ vào nội dung chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình dương” thì Châu Âu và quan hệ với Liên Minh Châu Âu có còn được chú trọng như trước hay không? nhất là khi cụm từ “tái thiết quan hệ” được đề cập khá nhiều lần trong các tuyên bố chính sách kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức. Để góp phần lý giải cách tiếp cận của Mỹ đối với khu vực được coi là đồng minh truyền thống của Mỹ, cách tiếp cận theo nguyên tắc 4 chữ “P” được các nhà nghiên cứu Mỹ đưa ra cũng là một trong các cách được giới nghiên cứu quốc tế vận dụng khi nghiên cứu chính sách đối ngoại Mỹ thời kỳ hiện đại. Với mong muốn đóng góp những phân tích để hiểu được những cơ sở “bất biến” và “mới xuất hiện” có thể giữ cho quan hệ hai nước tiếp tục duy trì được “động lực”, tác giả bài viết sẽ vận dụng nguyên tắc bốn chữ “P” được đề cập trong cuốn “Chính sách đối ngoại Mỹ – Động cơ của sự lựa chọn trong thế kỷ XXI”[1] để xác định “những cơ sở định hình” mối quan hệ giữa các đồng minh phương Tây vốn vẫn được coi là bền vững trong một giai đoạn lịch sử và từ đó có được những nhìn nhận về tương lai của mối quan hệ này.

  1. Nguyên tắc bốn chữ “P” trong hoạch định chính sách đối ngoại Mỹ

Trong suốt quá trình lịch sử hình thành và phát triển của nước Mỹ, một thực tế không thể phủ nhận, đã được nhiều nhà nghiên cứu Mỹ và thế giới chia sẻ, đó là nhận thức của bản thân các nhà lãnh đạo Mỹ và nền tảng lý luận tác động tới nhận thức chính trị của Chính phủ Mỹ đối với những diễn biến xảy ra trong hệ thống chính trị thế giới đã quyết định rất nhiều đến việc họ đưa ra những phản ứng như thế nào đối với sự thay đổi đang diễn ra trên thế giới và các khu vực khác nhau. Nhận thức này cũng tùy thuộc vào tác động của cách nhận thức, tức là việc các nhà hoạch định và triển khai chính sách xử sự như thế nào đối với hiện thực khách quan; điều này liên quan đến quan niệm chính trị của chính họ và trình độ nhận thức, tức là cách thức các chính khách này thể hiện nhận thức của mình trong quá trình triển khai theo một trình tự như thế nào. Dựa trên lập luận của chủ nghĩa hiện thực cho rằng “thế giới vốn vô chính phủ” và “sức mạnh quốc gia” là một trong các cách tiếp cận mà giới nghiên cứu chính sách đối ngoại thường vận dụng để giải thích các mối quan hệ giữa quốc gia, có thể đề cập tới một số cơ sở đáng chú ý: 1) lợi ích quốc gia, dân tộc của hai nước; 2) sự cân bằng về “vị thế” giữa hai nước; 3) nhận thức của  hai nước đối với nhau; 4) sự tương tác của các chủ thể khác trong hệ thống quốc tế và 5) sự thay đổi của bối cảnh quốc tế và khu vực tại mỗi giai đoạn lịch sử.Tuy nhiên, với cách nhìn nhận quá trình “hoạch định chiến lược chính sách đối ngoại là bản chất của sự lựa chọn, xây dựng những mục tiêu đạt được và tạo dựng những chính sách là phương cách tối ưu để đạt được những mục tiêu đó.Chính trị chính sách đối ngoại là quá trình lựa chọn”[2] có thể thấy rằng chính sách đối ngoại mỗi nước sẽ có những phương cách hoạt động và hoạch định khác nhau, tác giả Bruce W.Jentleson đã đưa ra khuôn khổ bốn chữ “P” gồm có: quyền lực, hòa bình, thịnh vượng và các nguyên tắc vì theo ông các trường phái lý thuyết quan hệ quốc tế, các khái niệm cơ bản về hệ thống quốc tế có sự khác biệt và đây là mô hình được ông vận dụng vào chiến lược đối ngoại của Mỹ để phân tích cho cơ sở chính sách đối ngoại thời kỳ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc[3] vì theo ông đây là bốn nguyên tắc xác định lợi ích quốc gia của Mỹ.

Theo cách lập luận của Bruce W.Jentleson thì các nguyên tắc này tương ứng với những trường phái lý thuyết quan hệ quốc tế chủ yếu mà mối chữ “P” có mối liên hệ chặt chẽ nhất[4]. Thứ nhất, đối với chữ “P” quyền lực, thì lợi ích quốc gia luôn gắn với quyền lực vì đây là yêu cầu then chốt đối với mục tiêu cơ bản nhất của chính sách đối ngoại, quốc phòng và bảo vệ độc lập và lãnh thổ. Đồng thời đây cũng là nhân tố giúp quốc gia khẳng định mình và có vai trò chủ động hơn trong hệ thống chính trị thế giới.Và vì vậy, các quốc gia cuối cùng cũng chỉ dựa vào bản thân mình để đảm bảo an ninh. Thứ hai, đối với chữ “P” hòa bình, thì đây là mục tiêu cuối cùng của mọi quốc gia để có môi trường tồn tại và phát triển.Trật tự thế giới có thể được định hình nhưng tình trạng vô chính phủ là không thể hoàn toàn xóa bỏ vì vậy hợp tác và việc tạo ra những thể chế quốc tế là cơ sở cho sự “hợp tác bền vững”.Việc tạo ra các thể chế quốc tế chính là “các nhân tố cấu thành của mọi nền hòa bình lâu dài”[5].Thứ ba, đối với chữ “P” thịnh vượng, thì mọi chính sách đối ngoại hay chính sách kinh tế của các quốc gia đều nhằm tới việc tạo nên một cán cân thương mại thuận lợi, sự tăng trưởng kinh tế mạnh và một nền kinh tế vĩ mô phát triển tốt. Vì vậy, các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia tư bản trong đó có Mỹ đều cần tìm ra những thị trường mới đề tiêu thụ những sản phẩm của mình nếu muốn tránh suy thoái hay sa sút về kinh tế[6]. Đây là chữ “P” có tính chất trung tâm trong bốn mục tiêu liên quan đến lợi ích của Mỹ. Và thứ tư, đối với chữ “P” nguyên tắc thì việc ủng hộ và tuyên truyền các giá trị, lý tưởng và niềm tin vốn là cơ sở cho sự ra đời và phát triển của nước Mỹ ra thế giới sẽ là một trong các mục tiêu quan trọng khi tham gia hệ thống chính trị thế giới.Vấn đề dân chủ, nhân quyền thường xuyên được chính giới Mỹ coi là một trong ba trụ cột của chính sách đối ngoại Mỹ, bên cạnh các vấn đề thúc đẩy thương mại tự do và bảo vệ lợi ích an ninh của nước Mỹ. Ngày nay, ảnh hưởng chính trị, kinh tế của Mỹ ngày càng lan rộng, cùng với nó là sự khuếch trương các giá trị Mỹ trong đó có vấn đề dân chủ, nhân quyền. Chính sách của Mỹ trong vấn đề này có tác động mạnh tới các quan hệ quốc tế. Trong quan hệ song phương, bên cạnh việc gây sức ép trực tiếp trong vấn đề này, Mỹ ngày càng gắn vấn đề nhân quyền với các khía cạnh khác trong quan hệ với các nước như viện trợ, hợp tác phát triển và đầu tư.Với ý nghĩ cho mình là quốc gia độc đáo giữa các quốc gia, người Mỹ cho rằng họ không phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn đặt ra cho các quốc gia khác. Thậm chí nhiều khi họ còn nghĩ “người Mỹ sẽ phải luôn đúng”[7]. Họ còn tin mình được vận mệnh trao cho địa vị thống trị về chính trị và kinh tế.

Tác giả Bruce W.Jentleson, sau khi làm rõ nội dung của từng nguyên tắc “P” và mối quan hệ gắn liền với một lý thuyết quan hệ quốc tế – vốn được coi là nền tảng tư tưởng cho các nhà lãnh đạo Mỹ, đã lập luận rằng khi cả bốn mục tiêu dựa trên nguyên tắc bốn chữ “P” đều có thể thỏa mãn cùng một chiến lược, có nghĩa là chúng bổ sung cho nhau thì những tình huống tiến thoái lưỡng nan trong chính sách đối ngoại Mỹ sẽ tương đối dễ giải quyết. Mỹ sẽ không phải cân nhắc hy sinh mục tiêu nào và cũng không phải đặt ra ưu tiên nào[8]. Vì vậy, các phần tiếp sau sẽ được phân tích dựa trên nguyên tắc chữ “P” để làm rõ cơ sở định hình mối quan hệ giữa hai nước và sẽ dùng những cơ sở được hình thành để giải đáp câu hỏi liệu có nền tảng vững chắc cho tiến triển của cặp quan hệ này trong tương lai hay không?.

  1. Sự định hình tính toán chính sách của Mỹ đối với Liên minh châu Âu dựa theo nguyên tắc 4 chữ “P”

Quan hệ giữa Mỹ với Liên minh châu Âu vốn có những nền tảng lịch sử và chịu sự chi phối của một số nhân tố quan trọng như các cặp quan hệ song phương khác đang tồn tại trong thế giới đương đại. Tuy nhiên, do trong giai đoạn gần đây, nhất là trong thời kỳ Tổng thống Donald Trump, chính sách của Mỹ đối với Liên minh châu Âu có những nốt trầm nếu so sánh ngay với 8 năm cầm quyền trước đó của Chính quyền Tổng thống Barack Obama, nên việc xem xét lại tính toán chính sách của Mỹ đối với tổ chức này cũng là cần thiết. Từ góc độ tính toán lợi ích của Mỹ thì rõ ràng có những giai đoạn “mục tiêu bốn chữ P” có thể bị coi là không “thỏa mãn trong cùng thời điểm” theo cách tiếp cận và tính toán chính sách của Mỹ[9] nên chính sách của Mỹ đối với đồng minh của mình có những thay đổi. Xét cả quá trình định hình và điều chỉnh chính sách của Mỹ với châu Âu có thể thấy rằng có giai đoạn mục tiêu bốn P của Mỹ không tương thích với những suy tính của các đồng minh châu Âu. Thực tế này làm cho những lần hai phía có lợi ích không song trùng mặc dù nội hàm và thời điểm xảy ra “sự kiện” thì không có sự trùng lắp.

Trong những năm ngay sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai, nước Mỹ là một trong các quốc gia có ảnh hưởng lớn chi phối các công việc toàn cầu. Người Mỹ trong thời kỳ này tin tưởng vào “sứ mạng” duy trì các cấu trúc dân chủ mà họ tin là họ đã bảo vệ với giá đắt và muốn chia sẻ những lợi ích của sự “thịnh vượng” một cách rộng rãi. Các lãnh đạo Mỹ tin rằng nước Mỹ được che chắn bởi biên giới “hai đại dương rộng lớn”. Chủ bút tạp chí Times đã nhận xét “giai đoạn này là thế kỷ của nước Mỹ.”[10]

Với tâm thế là một quốc gia thoát khỏi cuộc chiến tranh với thiệt hại gần như ít nhất, người Mỹ tán thành việc tăng cường quyền lực của chính phủ và thừa nhận những nguyên tắc chung của nhà nước thịnh vượng vốn đã được hình thành từ thời kỳ Chính sách kinh tế mới. Lúc này người Mỹ không chỉ theo đuổi chính sách đối ngoại riêng của mình, mà còn hướng tới vị trí “một siêu cường” lãnh đạo một trong hai cực của thế giới. Nhận thức về một châu Âu bị suy kiệt về kinh tế sau chiến tranh và một Liên Xô đối đầu về ý thức hệ ở phía Đông đã thu nhỏ quy mô trật tự và đặt mục tiêu trước hết của Mỹ và phương Tây là ngăn chặn Liên Xô.Trong khi đó Đảng Cộng sản Liên Xô do V.I. Lênin lãnh đạo đã xem mình có sứ mạng dẫn đầu một phong trào quốc tế làm thay đổi trật tự chính trị đang tồn tại ở phương Tây, và từ đó, làm thay đổi trật tự chính trị trên thế giới. Người Mỹ lo ngại rằng Liên xô có thể tận dụng sự bất ổn định ở châu Âu bị tàn phá sau chiến tranh để giành quyền kiểm soát ở đây, tạo ra sự bất ổn cho Mỹ về an ninh và kinh tế tại khu vực. Vì vậy, hầu như trong suốt giai đoạn chiến tranh lạnh lợi ích của Mỹ được xác định dựa trên “quyền lực”, “hòa bình”, rồi mới đến “thịnh vượng” và “các nguyên tắc”. Mỹ đã nhanh chóng triển khai chính sách hỗ trợ các quốc gia, trong đó có cả những quốc gia thù địch với Mỹ trong chiến tranh như Đức và Nhật bản.

Sau khi Học thuyết Truman được ban hành tháng 3 năm 1947, với nội dung cơ bản ban đầu là Mỹ cam kết viện trợ cho Hy Lạp và Thổ Nhĩ kỳ chống lại Liên xô. Tuy nhiên, trước tình hình kiệt quệ của châu Âu sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, kế hoạch Marshall đã công bố trong bài phát biểu của Ngoại trưởng George Marshall tại Đại học Harvard nhằm hỗ trợ cho các nước Tây Âu vẫn chưa phục hồi được kinh tế. Kế hoạch Marshall đã cam kết những khoản tiền khổng lồ, tương đương khoảng 60 tỷ USD ngày nay. Đây là sự trợ giúp kinh tế của Mỹ cho các nước Tây Âu, bắt đầu chương trình viện trợ nước ngoài lớn đầu tiên trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Kế hoạch này cũng được nhìn nhận là nỗ lực của chính phủ hướng đến tái thiết thị trường châu Âu cho hàng hóa xuất khẩu và đầu tư của Mỹ, góp phần giải quyết được những tình trạng dư thừa trong sản xuất. Bên cạnh đó, để thực hiện vai trò “bảo trợ” về an ninh cho các nước đồng minh Tây Âu, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã được thành lập năm 1949. Bằng những cam kết chính trị ngoại giao của Học thuyết Truman và sự trợ giúp kinh tế thông qua kế hoạch Marshall, sự xuất hiện của NATO là một minh chứng về cam kết của Mỹ về an ninh tập thể được thể hiện ở Điều 5 của Hiệp ước “các bên tham gia hiệp ước đồng ý rằng một cuộc tấn công vũ trang chống lại một hay nhiều quốc gia tại châu Âu hay Bắc Mỹ sẽ bị coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả các nước thành viên”. Mỹ và châu Âu không chỉ duy trì  khả năng kiểm soát quân sự của mình ở khu vực Đại Tây Dương mà còn có thể triển khai hiệu quả các lực lượng của mình ở bất cứ khu vực nào trên thế giới. Qua những bước triển khai đầu tiên này có thể thấy rõ rằng, trong giai đoạn đầu của Chiến tranh Lạnh, lợi ích “hòa bình” dựa trên “thịnh vượng” đã chi phối chính sách của Mỹ đối với các nước tư bản ở châu Âu.

Có thể thấy rằng trật tự thế giới “kiểu Mỹ” chính thức được hình thành trong thời kỳ mới dựa trên thỏa thuận giữa các nước đồng minh, thường được gọi là Trật tự Yalta[11]. Trật tự này bắt nguồn thực tế ở một quy mô nhỏ hơn, từ sự thành lập liên minh giữa Mỹ và các nước phương Tây, cụ thể hóa qua NATO và các thể chế đa phương khác theo sau (WB, IMF, GATT và G7). Trật tự thế giới kiểu Mỹ đã được xây dựng trên nền tảng tư tưởng của Tổng thống Wilson và Roosevelt nhưng đã có sự điều chỉnh trước những biến động của tình hình thế giới – khu vực. Vì thế, nó vừa mang yếu tố mở và tự do, đồng thời phản ánh tính hiện thực – an ninh và cân bằng quyền lực. Tính chất quan hệ giữa Mỹ và các nước châu Âu trong trật tự được định hình mang tính bất đối xứng cao. Với sự cố gắng của bản thân mỗi nước và sự trợ giúp của Mỹ, đến cuối thập niên 1950, kinh tế của các nước Tây Âu, cơ bản được phục hồi.

Trong suốt cả thời kỳ Chiến tranh Lạnh tiếp sau đó, mặc dù có những biến động lớn nhưng thế giới hai cực vẫn tiếp tục tồn tại với sự chia sẻ quyền lực giữa Mỹ và Liên Xô. Tuy nhiên, trong trật tự do Mỹ chi phối, từ đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, xu hướng ―ly tâm đã chi phối quan hệ đồng minh giữa Mỹ với EU, chủ yếu từ sự bất đồng giữa các nước then chốt ở Tây Âu (Pháp, Tây Đức) với sự lãnh đạo của Mỹ và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc ở châu Âu. Cộng đồng Than Thép châu Âu (ECSC) được thành lập vào năm 1951 với Hiệp ước Paris. Đỉnh điểm là Pháp rút khỏi Bộ chỉ huy NATO vào tháng 3/1966 dưới thời Tướng De Gaulle và tổ chức Cộng đồng kinh tế Châu Âu (EEC) tiền thân của Liên minh Châu Âu hình thành năm 1957 nhằm tìm kiếm sự độc lập hơn cho Tây Âu với Mỹ.

Chiến tranh Lạnh kết thúc với sự sụp đổ của Liên xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu, đưa tới sự chấm dứt của Trật tự Yalta, tạo cho Mỹ khoảng trống quyền lực để tái định hình thế giới với tư cách siêu cường duy nhất. Thực tế này đã tạo cho Mỹ cảm giác như học giả Francis Fukuyama đã nhận xét trong tác phẩm[12] The End of History and The Last Man về đồng thuận cuối cùng giữa dân chủ và chủ nghĩa tư bản, sự toàn cầu hóa của chủ nghĩa tự do phương Tây và sự đồng nhất hóa mọi xã hội loài người. Chia sẻ với ông là nhận xét “dân chủ tự do vẫn là khát vọng thống nhất bao trùm các khu vực và nền văn hóa trên toàn cầu”[13]. Đây cũng chính là một trong lý do đưa tới việc Mỹ thúc đẩy lợi ích chữ P “nguyên tắc” trong chính sách của mình đối với các “phần còn lại của thế giới”[14] để thiết lập một trật tự thế giới mới, đó là xây dựng một hệ thống quốc tế mới phù hợp với giá trị và lý tưởng của Mỹ.

Chính quyền Tổng thống George W. H. Bush đã tạo ra một loạt các thể chế quản lý các vấn đề quốc tế nổi lên hậu Chiến tranh Lạnh, thể hiện qua chiến dịch Bão táp Sa mạc ở Iraq để nhằm tạo nền tảng cho “trật tự thế giới mới”, Mỹ  dự kiến triển khai với các nước khác[15]. Sang tới nhiệm kỳ của Tổng thống Bill Clinton mục tiêu của chiến lược “mở rộng và ngăn chặn” chính là lợi ích P “thịnh vượng” và “nguyên tắc” nhằm để mở rộng một cộng đồng của các quốc gia độc lập và phụ thuộc lẫn nhau cùng chia sẻ những giá trị chung[16]. Cụ thể, Mỹ tăng cường chủ nghĩa đa phương của mình, thành lập APEC (1989), NAFTA (1993), WTO (1995) kết nạp Nga vào G7 và hình thành G8 (1998). Đối với các đồng minh Tây Âu Mỹ ủng hộ việc mở rộng và cải tổ các hoạt động NATO[17]. Mỹ cũng thể hiện sự ủng hộ sự ra đời của Liên minh châu Âu năm 1993. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy lợi ích chữ P “nguyên tắc” cũng là nguyên nhân đưa tới việc Mỹ mở rộng toàn cầu hóa, hòa nhập và dân chủ hóa “phần còn lại của thế giới”, tạo cơ sở tập hợp lực lượng mới trong trật tự[18].

Tuy nhiên, sức mạnh của Mỹ cũng dần suy giảm sau những bước triển khai tại chiến dịch Cơn bão sa mạc tại Trung Đông đặc biệt là sau Sự kiện 11/9/2001. Chủ nghĩa đơn phương được thể hiện rõ trong Chiến lược An ninh quốc gia năm 2002 của chính quyền Tổng thống George W. Bush rằng “Mặc dù Hoa Kỳ sẽ không ngừng tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, nhưng chúng tôi sẽ không ngần ngại hành động một mình nếu cần thiết để đảm bảo quyền tự vệ của chúng tôi.[19]” Việc triển khai mạnh mẽ cuộc chiến chống khủng bố theo cách đơn phương đã làm xói mòn quan hệ giữa Mỹ và các nước đồng minh Tây Âu. Dù Mỹ được một số nước thành viên EU ủng hộ trong cuộc chiến chống Iraq, nhưng cách thức áp đặt ý chí của mình lên các nước đồng minh đã tạo nên sự chia rẽ trong nội bộ tổ chức[20].  Điểm nổi trội trong giai đoạn này là sự ủng hộ của Mỹ đối với việc mở rộng EU[21], kết nạp thêm cả các nước Trung và Đông Âu vào EU nhằm xây dựng một châu Âu “hoàn toàn tự do và hòa bình”[22].

Trong thời kỳ tám năm cầm quyền của Tổng thống Barack Obama xu hướng chuyển trọng tâm sang Châu Á Thái Bình Dương với chính sách “xoay trục”, nổi bật là việc ký kết hiệp ước thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP với 12 quốc gia thành viên năm 2016 khi mà TTIP[23] với EU còn chưa đạt được. Như vậy, EU bị đặt trước thách thức phải xác định lại ưu tiên trọng tâm cho mình trong thương mại, và phải ưu tiên hóa châu Á hơn nữa trong chính sách thương mại của Mỹ[24]. Thực tế, chính sách “xoay trục” và sau này là “tái cân bằng” đối với khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã tạo nên cảm giác bỏ quên các đồng minh Châu Âu. Nhận thức về đe dọa an ninh của Hoa Kỳ và Châu Âu tồn tại sự khác biệt rõ rệt, nhất là trong vấn đề Trung Đông, Nga và NATO. Châu Âu luôn cảm thấy bị đe dọa bởi xung đột ở Trung Đông nhưng Mỹ thì lại chú trọng Trung Quốc hơn. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng ở Crime đã buộc Mỹ phải quay lại với nguyên tắc P “quyền lực” và “hòa bình” trong quan hệ với các đồng minh phương Tây. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng Châu Âu vẫn là khu vực được Tổng thống Obama xác định là một trong những hòn đá tảng cho chính sách đối ngoại của Mỹ, trong đó việc tăng cường sức mạnh quân sự NATO và triển khai các hệ thống đánh chặn tên lửa ở Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Rumani[25].

Thời gian cầm quyền của tổng thống Donald Trump từ 01/2017 đến 01/2021 là một khoảng thời gian đầy biến động của thế giới, xuất hiện nhiều tác nhân ảnh hưởng, thậm chí mãi mãi thay đổi bộ mặt của nền chính trị toàn cầu, trong đó có sự chuyển biến xấu đi của quan hệ Mỹ – EU. Nguyên tắc P “quyền lực” và “thịnh vượng” trở thành nổi trội trong quan hệ đối ngoại ngay cả với đồng minh truyền thống. Trong bốn năm trị vì của Tổng thống Trump, quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương, tuy chưa đến mức “phân tách”[26] nhưng sự khác biệt dường như ngày càng gia tăng. Tổng thống Trump đã công khai xem EU là đối thủ thương mại, hạ cấp tư cách ngoại giao của phái đoàn EU thành tổ chức quốc tế thay vì đại sứ quốc gia và lên án các đồng minh lợi dụng sự bảo vệ, chi tiêu quân sự và thương mại của Mỹ[27]. Tổng thống Mỹ vẫn đe dọa rút Mỹ khỏi một NATO lỗi thời, trừ khi các nước thành viên tăng ngân sách quốc phòng lên mức 2% GDP theo Điều 3 của Hiến chương. Quan hệ xuyên Đại Tây Dương Mỹ – EU phát triển theo chiều hướng xấu đi còn đến từ những nguyên nhân khách quan bên ngoài hai chủ thể, có thể kể đến yếu tố bất ngờ nhất đối với cộng đồng quốc tế là sự xuất hiện của đại dịch Covid-19, ngoài ra còn là các yếu tố Nga, yếu tố Trung Quốc, sự suy yếucủa chủ nghĩa đa phương toàn cầu và chuyển dịch quyền lực quốc tế. Hầu hết nhiệm kỳ của mình, ông Donald Trump tập trung vào giải quyết xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong cái gọi là “cuộc chiến tranh lạnh” diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc, các ưu tiên chiến lược của Mỹ đã có sự thay đổi. Ông Minxin Pei, Giáo sư Khoa Chính trị thuộc trường Đại học Claremont McKenna (Mỹ), thành viên cao cấp không thường trú tại Quỹ Marshall Đức của Mỹ đã nêu nhận xét “Trong chiến tranh Lạnh, Châu Âu là ưu tiên chiến lược của Mỹ. Đông Á được xếp vào hàng thứ yếu, mặc dù Mỹ có một lực lượng đông đảo binh sĩ hiện diện ở khu vực này và là “chiếc ô an ninh” cho Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan/Trung Quốc. Ngày nay, chiến lược an ninh của Mỹ đang bị chi phối bởi điều mà Washington coi là “mối đe dọa từ Trung Quốc và Đông Á đã thay thế châu Âu trở thành địa bàn chính của cuộc cạnh tranh địa chính trị thế giới[28]”.  Sự chú ý vào an ninh là nội dung mấu chốt của sự chuyển hướng chiến lược của Mỹ. Có thể thấy rõ rằng lợi ích về “quyền lực” được nhấn mạnh trong giai đoạn hiện nay. Định hướng địa chính trị mới của Mỹ hiện đang có sự tập trung hơn sang khu vực “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”[29] buộc các nước cho đến nay vẫn dựa hay nhận được bảo vệ và hỗ trợ của Mỹ (thường các nước đồng minh Tây Âu được xếp vào nhóm này) phải học cách “tự lực cánh sinh”. Ở châu Âu, “quyền tự chủ chiến lược” vốn chỉ là lời nói cho đến thời điểm hiện tại, có thể buộc phải trở thành thực tế[30]. Thủ tướng Đức đã công khai kêu gọi tại Hội nghị An ninh Munich 2018 “Quãng thời gian chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào người khác đã chấm dứt. Người Châu Âu phải thực sự nắm lấy vận mệnh trong tay mình.[31]” Tuy nhiên, sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020, Tổng thống Joe Biden đã trở thành người kế nhiệm vị trí của Tổng thống Donald Trump và tạo ra hy vọng về sự biến đổi trong chính sách của Mỹ đối với các đồng minh truyền thống Tây Âu.

Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có nhiều động thái nhằm hiện thực hóa chủ trương khôi phục quan hệ với các đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương, thông qua hàng loạt cuộc điện đàm với những người đồng cấp ở Liên minh Châu Âu (EU) cũng như hàng loạt hoạt động ngoại giao con thoi của giới chức cấp cao trong chính quyền Washington tới Châu Âu. Sau khi nhận được sự ủng hộ của các đồng minh tại hai hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tại cuộc tiếp xúc với các nhà lãnh đạo EU, Tổng thống Mỹ đã chứng tỏ quyết tâm hàn gắn quan hệ với Châu Âu[32]. Chuyến công du nước ngoài, tham dự hội nghị G7 ở Anh cũng như hội nghị NATO và EU ở Brussels (Bỉ) đã trở thành diễn đàn để Tổng thống Biden thể hiện cho các đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương rằng chính quyền của ông ủng hộ chủ nghĩa đa phương và thực tâm muốn thúc đẩy quan hệ song phương với các nước thành viên EU, các đồng minh trong NATO cũng như với Anh.

Như vậy, có thể thấy quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và Châu Âu là một trong các cặp quan hệ quan trọng trong hệ thống quốc tế. Hai chủ thể này chia sẻ những lợi ích chung, những mục tiêu chung và tầm nhìn chung, đặc biệt là từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh và phát triển đến mức độ như hiện nay là do cả hai bên đều có những giá trị đã bén rễ sâu trên nhiều mặt. Nếu tiếp cận theo nguyên tắc bốn chữ “P” để xem xét tiến triển của mối quan hệ thì có thể thấy tình trạng “tương thích” giữa các lợi ích “hòa bình”, “thịnh vượng”, “quyền lực” và “nguyên tắc” trong giai đoạn hiện nay.

Bản dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt đăng trên (Journal of EuropEan
lawand Economics, số 2 ngày 10/3/2022; Tr. 29 – 50)

[1]Chính sách đối ngoại Hoa kỳ – Động cơ của sự lựa chọn trong thế kỷ XXI (American Foreign Policy – The Dynamics of Choice in the 21st Century) của Tác giảBruce W.Jentleson do Nxb. Chính trị Quốc gia dịch và ấn hành năm 2004 đề cập tới lợi ích quốc gia của Mỹ dựa trên bốn chữ “P”

[2] Bruce W.Jentleson (2004). Chính sách đối ngoại Hoa kỳ – Động cơ của sự lựa chọn trong thế kỷ XXI.(Bản dịch).Nxb.Chính trị Quốc gia.Tr. 10.

[3] Bruce W.Jentleson (2004). Tr.22-23

[4] Bruce W.Jentleson (2004). Tr. 10

[5]Robert O.Keohance and Lisa L.Martin.“The Promise of Institutionalist Theory”.International Security 20:1. (Summer 1995). Tr.50

[6]Bruce W.Jentleson (2004). Tr.18

[7]Richard J. Payne (1995) The Clash with Distant Cultures. State University of New York Press.Tr. 34.

[8]Bruce W.Jentleson (2004). Tr.23

[9]Bruce W.Jentleson (2004). Tr.23

[10] Mary Beth Norton, Carol Sheriff, David W Blight, Howard P.Chudacoff, Fedrick Logevall and Beth Balley (2012),  A People and A Nation – A History of the United State, Wadsworth Cengage Learning. Tr. 769

[11] Đây là khái niệm được dùng để đề cập tới các thỏa thuận tại Hội nghị Yalta (được tổ chức tại thành phố Yalta trên bán đảo Crimea nay thuộc Ucraine) (còn gọi là Hội nghị Crimea và tên mật là Hội nghị Argonaut) với sự tham gia của các nhà lãnh đạo 3 cường quốc: Stalin (Liên xô), Roosevelt (Mỹ) và Churchill (Anh) (từ 4-12 tháng 2 năm 1945) nhằm thỏa thuận giải quyết những vấn đề “tổ chức lại thế giới sau chiến tranh”. Những thỏa thuận tại Hội nghị cuối cùng đã được thực hiện đầy đủ nhưng dưới sự thỏa thuận và chi phối giữa hai siêu cương Liên xô và Mỹ với những ý đồ chiến lược riêng.

[12] Fukuyama, Francis. 1992. The End of History and The Last Man. New York: Free Press.

[13] Betts, Richard K. 2010. ―Conflict or Cooperation?, Foreign Affairs, Nov-Dec 2010, https://www.foreignaffairs.com/reviews/review-essay/conflict-or-cooperation  truy cập ngày 10.1.2022

[14] Đây là cụm từ được Fareed Zakaria dùng để nói về các nước khác trên thế giới ngoài nước Mỹ trong cuốn “Thế giới hậu Mỹ” của do nhà xuất bản Jank Low& Nesbit xuất bản. Bản dịch sang tiếng Việt được nhà xuất bản Tri Thức ấn hành năm  2009

[15] The White House 1992. National Security Strategy of the United States of America. The White House

[16] The White House 1994. National Security Strategy of the United States of America. The White House

[17] NATO tiếp tục mở rộng thành viên về phía Đông với sự tham gia của các quốc gia Đông Âu thuộc Liên Xô cũ (1997, 2004 và 2009). Ngoài ra, tổ chức này còn bổ sung mục đích hoạt động của mình, từ phòng thủ tập thể với các mối đe dọa từ bên ngoài sang các hoạt động gìn giữ hòa bình (Bosnia 1995). Thêm vào đó, NATO còn tạo ra một khuôn khổ mới tên ―Đối tác vì Hòa bình vào năm 1994, cho phép hợp tác song phương giữa các quốc gia châu Âu-Đại Tây Dương và NATO; trong đó có sự tham gia của Nga.

[18] Hendrickson, David C. 1994.”The Recovery of Internationalism: Stemming the Isolationist Impulse”. Foreign Affairs, tháng 9/10, 1994.  https://www.foreignaffairs.com/articles/somalia/1994-09-01/recovery-internationalism-stemming-isolationist-impulse/  truy cập ngày 18.1.2022

[19] The White House 2002, National Security Strategy of the United States of America. The White House

[20] Trong Eu các nước ủng hộ cuộc chiến của Mỹ tại Iraq bao gồm: Anh, Tây Ban Nha, Ý, Đan Mạch, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Czech.  Các nước này đã ký bức thư ngày ngày 30/1/2003 nhằm thể hiện sự ủng hộ của mình

[21] Lần mở rộng thứ tư của EU được coi là một sự mở rộng bùng nổ[21] trong nỗ lực hàn gắn tình trạng chia cắt châu Âu lục địa do chiến tranh Lạnh. Tháng 5 năm 2004, trong 10 quốc gia được kết nạp vào khuôn khổ EU thì có đến 8 quốc gia từng là thành viên của khối xã hội chủ nghĩa, đang trong giai đoạn chuyển đổi sang hệ thống dân chủ, tái định hướng đất nước: Cộng hòa Czech, Estonia, Hungary, Latvia, LithuaniaBa Lan, Slovakia, và Slovenia; cộng thêm hai nước Cộng hòa ở khu vực Địa Trung Hải là Malta và Cyprus. Việc đưa số thành viên EU từ 15 lên thành 25 và sau đó là 27 với sự gia nhập của Bungary và Rumani là bước đột phá giúp khẳng định vai trò kiềm chế quan trọng về mặt chính trị của EU đối với cả Nga và Mỹ. Tháng 7 năm 2013, Croatia kết thúc 8 năm đàm phán, từ đó EU có 28 thành viên.

[22] Xem thêm phần 1 về mối quan hệ Mỹ – Eu trước khi Donald Trump làm Tổng thống. Nguyễn Thị Thanh Thủy. “Quan hệ Mỹ – Eu dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump”, Tạp chí Pháp luật và Kinh tế châu Âu, số 1 – 2021. Tr. 67-71

[23] Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương TTIP khởi động năm 2013 dưới thời Barack Obama vốn gặp nhiều trắc trở trong đàm phán, đến thời chính quyền Donald Trump càng bế tắc

[24] Daniel Twinnig et al. “Trans-Pacific Partnership: Geopolitical Implications for EU-US relations.” European Parliament, Directorate-general for External Policies, June 24, 2016.  https://doi.org/10.2861/5783. Truy cập 6.12.2021

[25] Mai Linh. “Chính sách đối nội, đối ngoại của Tổng thống Obama”. http://baochinhphu.vn  Truy cập ngày 20.12.2021

[26] Tiếng Anh “decouple”. Đây là khái niệm ám chỉ một mối quan hệ mâu thuẫn gia tăng có nguy cơ đổ vỡ.

[27] Roth, Andrew., David Smith, Edward Helmone và Martin Pengelly. 2018. “Trump calls European Union a ‘foe’ – ahead of Russia and China”. The Guardian, 15 July 2018.  https://www.theguardian.com/us-news/2018/jul/15/donald-trump-vladimir-putin-helsinki-russia-indictments/  truy cập ngày 26.1.2022

[28] Minxin Pei, “The security consequences of America’s focus on China”, The Strategist, Australian Strategic Policy Institute. https://www.aspistrategist.org.au/the-security-consequences-of-americas-focus-on-china/ truy cập ngày 26.1.2022

[29] Đây là khu vực địa lý được xác định theo “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” do Tổng thống Donald Trump triển khai và hiện nay đang được chính quyền của Tổng thống Joe Biden tiếp tục cam kết theo đuổi

[30] Minxin Pei. Tlđd.

[31] Paravicini 2017. “Angela Merkel: Europe must take our fate into own hands”. Politico, 28 May, 2017.

[32] Phạm Ngọc Ánh, “Liên minh châu Âu và Mỹ thống nhất về hàng loạt vấn đề quan trọng”, VN Plus, https://www.vietnamplus.vn/lien-minh-chau-au-va-my-thong-nhat-ve-hang-loat-van-de-quan-trong/720431.vnp, truy cập ngày 23.1.2022