Tác giả: TS. Lê Hoàng Anh Tuấn ;
Cơ quan soạn thảo:Nhà xuất bản Thế giới ;
Năm phát hành:2022
Số trang:283
Chủ biên: TS. Lê Hoàng Anh Tuấn
Nguồn:
Nội dung:
Cộng hòa Séc (CH Séc) vốn là một phần của Tiệp Khắc trước đây, một quốc gia theo chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) và gắn bó chặt chẽ với khối Xô-viết. Sau cuộc “Cách mạng Nhung” năm 1989, chính quyền Tiệp Khắc khi đó chủ trương tăng cường quan hệ với các nước phương Tây, đặc biệt là với Mỹ. Tháng 01-1993, Tiệp Khắc được tách ra thành hai quốc gia độc lập là CH Séc và Slovakia. Ngay sau đó, CH Séc đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ.
Kể từ năm 1993 đến nay, quan hệ giữa CH Séc và Mỹ không ngừng được củng cố và phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, CH Séc là một trong những nước XHCN ở Trung Âu trước đây rất tích cực chuyển đổi và hội nhập sâu rộng với các nền dân chủ tư bản phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Điều này thể hiện qua việc CH Séc đã nhanh chóng trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và có mối quan hệ mật thiết với cả hai đối tác Mỹ và EU. Mối quan hệ của CH Séc với Mỹ và phương Tây còn được củng cố qua nhiều thể chế đa phương. Cho đến nay, cả CH Séc và Mỹ đều là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế và khu vực như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Hội đồng Đối tác Châu Âu – Đại Tây Dương (EAPC), Tổ chức An ninh và Hợp tác ở Châu Âu (OSCE) và các tổ chức quốc tế khác. Hơn nữa, CH Séc đã trở thành đối tác kinh tế chặt chẽ và là đồng minh quân sự quan trọng của Mỹ cùng thực hiện các sứ mệnh của NATO ở một số nơi trên thế giới. Hai nước ngày càng thắt chặt quan hệ song phương thông qua sự hợp tác sâu rộng trong nhiều lĩnh vực như chính trị, ngoại giao, kinh tế, an ninh, quân sự, văn hóa, xã hội. Đồng thời, quan hệ giữa CH Séc và Mỹ được củng cố qua sự hợp tác với NATO và EU. Như vậy, kể từ năm 1993 đến năm 2020, CH Séc đã hội nhập mạnh mẽ với phương Tây, tăng cường hợp tác với Mỹ và các thể chế đa phương ở châu Âu. Thông qua sự hội nhập và hợp tác đó, CH Séc đã hoàn toàn biến đổi từ một chế độ XHCN trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh trở thành chế độ chính trị TBCN theo mô hình phương Tây. Sự biến đổi toàn diện của CH Séc thông qua quan hệ chặt chẽ với Mỹ và các thiết chế ở châu Âu không chỉ tác động tới chính CH Séc trên nhiều phương diện khác nhau mà, ở mức độ nhất định, còn tác động tới một số vấn đề trong quan hệ quốc tế ở khu vực. Ngoài ra, nghiên cứu quan hệ CH Séc – Mỹ sẽ góp phần hình thành khung phân tích quan hệ nước nhỏ – nước lớn trong thời đại hội nhập quốc tế toàn diện và tổng kết các bài học hữu ích cho các nước nhỏ. Đây là những vấn đề nghiên cứu khoa học mà tôi rất quan tâm trong việc xuất bản cuốn sách “Quan hệ CH Séc – Mỹ giai đoạn 1993-2016”.
Ngoài phần mở đầu và kết luận, cuốn sách có ba chương chính như sau.
Chương 1. Cơ sở lý luận và thực tiễn quan hệ CH Séc – Mỹ giai đoạn 1993-2016. Chương này làm rõ cơ sở lý luận cho quan hệ hai nước bao gồm lý thuyết về quan hệ nước nhỏ, nước lớn, các lý thuyết quan hệ quốc tế khác liên quan đến quan hệ CH Séc và Mỹ. Các cơ sở thực tiễn bao gồm những phân tích về sự kế thừa quan hệ Tiệp Khắc – Mỹ trước năm 1993, những tác động của tình hình thế giới và khu vực tới quan hệ CH Séc – Mỹ giai đoạn 1993-2016 và chính sách đối ngoại của hai nước trong giai đoạn này .
Chương 2. Thực trạng quan hệ CH Séc – Mỹ trong giai đoạn 1993-2016. Trong chương này, luận án tập trung phân tích và luận giải thực trạng của quan hệ CH Séc – Mỹ trên các lĩnh vực cụ thể bao gồm: chính trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế, hợp tác giáo dục và văn hóa của hai nước.
Chương 3. Đánh giá và dự báo triển vọng quan hệ CH Séc – Mỹ. Chương này đánh giá những đặc điểm chính của quan hệ hai nước giai đoạn 1993-2016; Phân tích những tác động của mối quan hệ CH Séc – Mỹ với hai nước và triển vọng của quan hệ CH Séc – Mỹ đến năm 2024; Đưa ra một số gợi mở bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
(Nguồn: Nhà xuất bản Thế giới)
Lê Lặng