Bình luận Điều 97 Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước CHXHCN Việt Nam (người tham gia bình luận TS. Lê Hoàng Anh Tuấn)

Điều 97. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương trong quan hệ dân sự

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở Trung ương, ở địa phương khi tham gia quan hệ dân sự thì bình đẳng với các chủ thể khác và chịu trách nhiệm dân sự theo quy định tại Điều 99 và Điều 100 của Bộ luật này.

Bình luận:

Nhà nước là một tổ chức đặc biệt của tổ chức chính trị, có bộ máy chuyên trách để cưỡng chế và quản lý xã hội nhằm thực hiện và bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị trong xã hội có giai cấp đối kháng. Nhà nước xã hội chủ nghĩa là công cụ thực hiện nền chuyên chính và bảo vệ lợi ích giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Nhà nước xã hội chủ nghĩa là một bộ máy thống trị của đa số với thiểu số.

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp (Điều 2 Hiến pháp năm 2013).

Trong quan hệ pháp luật dân sự, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được xem là chủ thể đặc biệt, tính chất đặc biệt thể hiện ở nhiều yếu tố khác nhau như: Nhà nước đại diện cho toàn dân, là chủ thể quản lý, sử dụng, định đoạt với tài sản sở hữu toàn dân, là chủ thể xây dựng pháp luật…

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan nhà nước ở trung ương, ở địa phương khi tham gia vào các quan hệ dân sự thì bình đẳng với các chủ thể khác và phải chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình đối với các nghĩa vụ dân sự. Nhà nước thường tham gia vào các quan hệ dân sự như mua sắm công, các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài…