Điều 95. Phá sản pháp nhân
Việc phá sản pháp nhân được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.
Bình luận:
Phá sản là tình trạng pháp lý được áp dụng cho các pháp nhân là doanh nghiệp và hợp tác xã. Khoản 2 Điều 4 Luật phá sản năm 2014 quy định: “Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, họp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản”. Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
Khi bị phá sản, pháp nhân phải tuân theo các quy định của pháp luật về phá sản, bao gồm: thủ tục nộp đơn, nộp lệ phí, thực hiện các nghĩa vụ về tài sản như: xử lý khoản nợ, tiền lãi, trả lại tài sản thuê, tài sản mượn,… Việc phá sản pháp nhân sẽ làm chấm dứt sự tồn tại của pháp nhân, đồng thời không tạo lập nên một pháp nhân mới. Cơ sở pháp lý quan trọng nhất đối với việc phá sản pháp nhân là Luật phá sản năm 2014. Luật này quy định chi tiết, đầy đủ các vấn đề pháp lý liên quan đến phá sản của doanh nghiệp và hợp tác xã. Bên cạnh các quy định chung, Luật phá sản năm 2014 còn có những quy định riêng về thủ tục phá sản đối với các tổ chức tín dụng – bởi sự phá sản của những tổ chức này có tác động sâu rộng và nghiêm trọng tới đời sống của nhiều người trong xã hội.
Đặc biệt, trong Luật phá sản năm 2014 còn quy định về giới hạn thực hiện các giao dịch dân sự của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán nhằm đảm bảo quyền lợi cho các chủ thể có liên quan đến tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đó, cụ thể, giao dịch của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán được thực hiện trong thời gian 06 tháng trước ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản bị coi là vô hiệu nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Giao dịch liên quan đến chuyển nhượng tài sản không theo giá thị trường; Chuyển khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã; Thanh toán hoặc bù trừ có lợi cho một chủ nợ đối với khoản nợ chưa đến hạn hoặc với số tiền lớn hơn khoản nợ đến hạn; Tặng cho tài sản; Giao dịch ngoài mục đích hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã; Giao dịch khác với mục đích tẩu tán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Giải thể và phá sản là hai khái niệm dễ nhầm lẫn với nhau. Mặc dù đều là phương thức làm chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp nhưng giải thể và phá sản có tính chất rất khác nhau.
Sự giống nhau giữa giải thể và phá sản: (i) Giải thể và phá sản đều là hai phương thức làm chấm dứt sự hoạt động pháp nhân; (ii) Pháp nhân phá sản và giải thể đều bị thu hồi con dấu và giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh; (iii) Khi pháp nhân mở thủ tục phá sản hoặc giải thể đều phải thực hiện các nghĩa vụ tài sản của mình trước các chủ thể khác. Thông thường, khi pháp nhân tiến hành phá sản hoặc giải thể thì lợi ích của người lao động, lợi ích của Nhà nước, đều được ưu tiên thực hiện.
Sự khác nhau giải thể và phá sản: (i) Cơ sở pháp lý: Giải thể được quy định trong BLDS và Luật doanh nghiệp, trong khi đó, phá sản được quy định riêng trong một văn bản pháp luật là Luật phá sản. Điều này xuất phát từ tính chất phức tạp của phá sản nên cần có văn bản pháp lý riêng để điều chỉnh bên cạnh những quy định chung trong BLDS và Luật doanh nghiệp; (ii) Về lý do phá sản hoặc giải thể: giải thể có thể dựa trên nhiều căn cứ khác nhau, xuất phát từ quyết định của chính pháp nhân hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; còn phá sản chỉ đặt ra khi pháp nhân bị mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu; (iii) về thủ tục giải quyết: Phá sản là thủ tục tư pháp, do toà án có thẩm quyền quyết định sau khi nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ, thời hạn giải quyết một vụ phá sản dài hơn và phức tạp hơn so với giải thể; còn giải thể là thủ tục hành chính do pháp nhân tự tiến hành; (iv) về xử lý quan hệ tài sản: Khi giải thể, pháp nhân được trực tiếp thanh toán tài sản, giải quyết mối quan hệ nợ nần với các chủ nợ; còn khi phá sản, việc thanh toán tài sản, phân chia giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp được thực hiện thông qua một cơ quan trung gian là tổ thanh toán tài sản sau khi có quyết định tuyên bố phá sản. Bởi vì điều kiện giải thể pháp nhân là pháp nhân phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về tài sản với các chủ thể khác, do đó, khi tiến hành giải thể thì chắc chắn mọi chủ nợ đều được thanh toán đầy đủ nhưng phá sản thì không, do vậy, việc phân chia tài sản còn lại rất phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các chủ nợ nên pháp nhân không thể tự mình thực hiện các nghĩa vụ về tài sản mà phải thông qua tổ thanh toán tài sản để đảm bảo sự khách quan, công bằng; (v) Về thái độ của Nhà nước: Đối với phá sản, người giữ chức vụ điều hành trong pháp nhân phải chịu những hạn chế nhất định. Ví dụ: Giám đốc, Tổng giám đốc, Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị của công ty, tổng công ty 100% vốn nhà nước bị tuyên bố phá sản không được cử đảm đương các chức vụ đó ở bất kỳ doanh nghiệp nhà nước nào, kể từ ngày công ty, tổng công ty nhà nước bị tuyên bố phá sản. Người được giao đại diện phần vốn góp của Nhà nước ở doanh nghiệp khác mà doanh nghiệp đó bị tuyên bố phá sản không được cử đảm đương các chức vụ quản lý ở bất kỳ doanh nghiệp nào có vốn của Nhà nước. Hay thành viên hợp danh của công ty hợp danh, Giám đốc (Tổng giám đốc), Chủ tịch và các thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của doanh nghiệp, Chủ nhiệm, các thành viên Ban quản trị hợp tác xã bị tuyên bố phá sản không được quyền thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, không được làm người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời hạn từ một đến ba năm, kể từ ngày doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản. Đối với giải thể, người đứng đầu, người quản lý pháp nhân không bị những giới hạn tương tự như với trường hợp phá sản pháp nhân.