Bình luận Điều 90 Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước CHXHCN Việt Nam (người tham gia bình luận TS. Lê Hoàng Anh Tuấn)

Điều 90. Chia pháp nhân

  1. Một pháp nhân có thể chia thành nhiều pháp nhân.
  2. Sau khi chia, pháp nhân bị chia chấm dứt tồn tại; quyền, nghĩa vụ dân sự của pháp nhân bị chia được chuyển giao cho các pháp nhân mới.

Bình luận:

Trái ngược với hợp nhất pháp nhân, từ nhiều pháp nhân ban đầu cải tổ thành một pháp nhân mới (A + B = AB) thì chia pháp nhân là phương thức cải tổ ngược lại, tức từ từ một pháp nhân ban đầu có thể cải tổ để cho ra nhiều pháp nhân mới (A = B và C). Thực chất, hợp nhất pháp nhân là hoạt động tập trung, tích tụ nhằm mở rộng về mặt quy mô lại thì chia pháp nhân là hoạt động phân toán, bóc tách nhằm thu hẹp quy mô hoạt động. Do đó, nếu hợp nhất pháp nhân được tiến hành trên cơ sở hợp đồng hợp nhất giữa các pháp nhân bị hợp nhất thì chia pháp nhân thường được tiến hành dựa trên ý chí của chính pháp nhân. Ví dụ: khoản 2 Điều 192 Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định, thủ tục chia công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần như sau: Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc Đại hội đồng cổ đông của công ty bị chia thông qua Nghị quyết chia công ty theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.

Hậu quả pháp lý sau khi chia pháp nhân: (i) Các pháp nhân mới hình thành; (ii) Pháp nhân bị chia chấm dứt sự tồn tại về pháp lý; (iii) Các quyền, nghĩa vụ dân sự của các pháp nhân bị chia được chuyển giao cho pháp nhân mới