Quan Hệ Mỹ – Eu Dưới Chính Quyền Tổng Thống Donald Trump

PGS. TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy

Nguyên Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội,

Phó Chủ tịch Hội đồng Biên tập Tạp chí Pháp luật và Kinh tế châu Âu.

(Đăng trên Tạp chí Pháp luật và Kinh tế châu Âu, số 01 ngày 10/12/2021; Tr.52-67)

Tóm tắt: Trong nhiều thập kỷ qua, những lý do lịch sử và sự tương đồng về lợi ích trên các phương diện khác nhau đã kiến tạo mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Mỹ với Liên minh châu Âu (EU, tiền thân là Cộng đồng châu Âu – EC) trong nhiều vấn đề song phương và đa phương ở khu vực châu Âu cũng như trong một số vấn đề trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, kể từ khi Donald Trump được bầu làm Tổng thống Mỹ và chính thức nhậm chức tháng 1-2017, quan hệ của Mỹ với EU có những thay đổi theo hướng phân cực với những bất đồng sâu sắc, chủ yếu do tác động của chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Donald Trump. Trong khuôn khổ có hạn của bài viết, tác giả tập trung nghiên cứu những vấn đề nổi bật trong quan hệ Mỹ – EU dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump (2017-2020), góp phần tìm hiểu quan hệ đối ngoại của Mỹ với EU, hai trong số những đối tác lớn và quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Đồng thời, nội dung nghiên cứu của bài viết góp phần bổ sung mảng nghiên cứu còn nhiều khoảng trống ở Việt Nam về chủ đề này.

Từ khóa: Quan hệ Mỹ – EU, “Nước Mỹ trước tiên”, Quan hệ đối ngoại EU.

  1. Về mối quan hệ Mỹ – EU trước khi Donald Trump làm Tổng thống

Liên minh châu Âu (EU), một giai đoạn phát triển mới của EC, chính thức đi vào hoạt động từ năm 1993. Trước năm 1993, hợp tác của Mỹ với EC chủ yếu tập trung vào lĩnh vực kinh tế. Do mức độ phát triển sâu và rộng của EU nên sự hợp tác của Mỹ với EU không chỉ tập trung ở lĩnh vực kinh tế mà còn mở rộng trên các lĩnh vực khác. Trên lĩnh vực kinh tế, EU là nơi hội tụ nhiều trung tâm tài chính của thế giới, đồng tiền chung euro của EU được sử dụng rộng rãi và có tính cạnh tranh cao, đồng thời EU là một trong ba trung tâm kinh tế hàng đầu của thế giới, vì thế EU là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Mỹ trong nhiều năm qua. Trên lĩnh vực chính trị và an ninh, mức độ liên kết nội khối và mức độ thể chế hóa cao làm cho EU trở thành một trong những thực thể quốc tế “phi quốc gia” với tầm quan trọng và ảnh hưởng ngày càng lớn trong các vấn đề chính trị – an ninh quốc tế. Với sự phát triển cả về lượng và về chất, EU trở thành một thực thể lớn ở cấp độ khu vực và toàn cầu, đồng thời ngày càng trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của Mỹ trong hợp tác đối phó với những thách thức trên phạm toàn thế giới. Về tầm quan trọng của EU đối với Mỹ, chính trị gia nổi tiếng của Mỹ Henry Kissinger đã từng nhận xét rằng “Mỹ có mọi lý do từ lịch sử đến địa chính trị để ủng hộ Liên minh châu Âu và ngăn không cho liên minh này trôi vào một khoảng trống địa chính trị. Nếu tách rời khỏi châu Âu về chính trị, kinh tế và quốc phòng, về phương diện địa chính trị Mỹ sẽ trở thành một hòn đảo ngoài khơi của lục địa Á-Âu, và bản thân châu Âu có thể biến thành vùng phụ cận của châu Á và Trung Đông”.[1] Cùng chung quan điểm với Henry Kissinger về tầm quan trọng của EU, ba chính quyền Mỹ dưới thời các Tổng thống Bill Clinton (1993-2000), George W. Bush (2001-2008), Barack Obama (2009-2016), đều đề cao hợp tác với EU.

Sự tác chặt chẽ của ba chính quyền Mỹ với EU thể hiện rõ trong một số vấn đề nổi bật, trước hết là việc thể chế hóa sự hợp tác giữa Mỹ và EU bằng Chương trình nghị sự xuyên Đại Tây Dương Mới (New Transatlantic Agenda – NTA), được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – EU ở Madrid, Tây Ban Nha, năm 1995. NTA kế thừa những nội dung cơ bản của Tuyên bố về Quan hệ Mỹ – EC (Declaration on US – EC Relations) ký kết tháng 12-1990. Nội dung cơ bản của NTA hàm chứa các mục tiêu rộng lớn và những nguyên tắc hoạt động hợp tác giữa Mỹ và EU trong năm vấn đề lớn bao gồm: 1) Thúc đẩy hòa bình và ổn định, dân chủ và phát triển trên toàn thế giới; 2) Ứng phó với những thách thức toàn cầu; 3) Góp phần mở rộng thương mại thế giới và quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn; 4) Kết nối xuyên Đại Tây Dương; 5) Xây dựng mối quan hệ giữa các nghị viện.[2] Như vậy, phạm vi và những cam kết hợp tác giữa Mỹ và EU trong khuôn khổ của NTA rất rộng, không chỉ bó hẹp trong các vấn đề an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực châu Âu mà còn mở rộng đối với những vấn đề được xác định là những thách thức trên phạm vi toàn cầu, phục vụ những lợi ích chung của Mỹ và EU.

Thứ hai là chính sách của các chính quyền Mỹ ủng hộ việc mở rộng EU nhằm nâng cao vị thế và phạm vi ảnh hưởng của EU, đồng thời cũng nhằm thực hiện nội dung cam kết hợp tác đầu tiên của NTA giữa Mỹ và EU trong việc thúc đẩy hòa bình và ổn định, dân chủ và phát triển trên toàn thế giới. Đáng chú ý là Chính quyền Clinton là chính quyền Mỹ đầu tiên thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh, đồng thời đây cũng là thời kỳ EU bắt đầu đi vào hoạt động trong bối cảnh châu Âu lúc đó có nhiều biến động lớn về chính trị và an ninh, đặc biệt với sự chuyển đổi chính trị ở một loạt nước Trung và Đông Âu vốn thuộc khối Xô-viết trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Chính quyền Clinton chủ trương ủng hộ sự mở rộng EU, đặc biệt thông qua việc kết nạp các quốc gia ở Trung và Đông Âu, nhằm nâng cao thế và lực của EU ở châu Âu, đồng thời nhằm mục tiêu chuyển hóa triệt để chế độ chính trị ở các nước này theo mô hình dân chủ và kinh tế thị trường của phương Tây. Chủ trương của Chính quyền Clinton thể hiện rõ trong chiến lược “Can dự” và “Mở rộng” nhằm “mở rộng sự ổn định, dân chủ, thịnh vượng, và hợp tác an ninh trong một châu Âu rộng lớn hơn…”, “xây dựng các nền kinh tế thị trường mở, phát triển mạnh mẽ, … khuyến khích thương mại và đầu tư song phương ở cả các nước bên ngoài châu Âu”.[3] Trong nhiệm kỳ của Tổng thống B. Clinton, EU đã kết nạp thêm 3 thành viên mới là Áo, Phần Lan và Thụy Điển trong năm 1995. Chính quyền của Tổng thống G. W. Bush tiếp tục đề cao việc mở rộng EU, đặc biệt với việc kết nạp các nước Trung và Đông Âu vào EU, nhằm xây dựng một châu Âu “hoàn toàn tự do và hòa bình”.[4] Với quan điểm đó, Chính quyền G. W. Bush nỗ lực hợp tác với các đối tác châu Âu làm cho EU được mở rộng chưa từng thấy với việc kết nạp 12 thành viên mới. Tháng 5-2004, Cộng hòa Cyprus và Malta cùng với 8 nước ở Trung và Đông Âu được kết nạp vào EU bao gồm Ba Lan, Cộng hòa Séc, Estonia, Hungary, Latvia, Lithuania, Slovakia, Slovenia. Tháng 1-2007 chứng kiến đợt kết nạp thứ hai của EU với hai thành viên mới là Bulgaria và Rumania. Với việc mở rộng thành công qua các đợt kết nạp thành viên mới, EU đã phát triển mạnh mẽ về chiều rộng, từ 6 nước thành viên ban đầu tăng lên 27 nước thành viên ở thời điểm này, đồng thời góp phần làm cho Đông và Tây Âu hòa hợp trong khuôn khổ của EU.[5] Chính quyền của Tổng thống Barack Obama tiếp tục thúc đẩy sự hội nhập lớn hơn của EU, đặc biệt là với các nước Trung và Đông Âu, nhằm thúc đẩy dân chủ, thịnh vượng và hoàn thành quá trình chuyển đổi sang nền dân chủ theo kiểu phương Tây ở các nước này.[6] Tháng 7-2013, Croatia trở thành thành viên thứ 28 của EU, đồng thời lúc này 7 nước ở Đông và Nam Âu bao gồm Albania, Bosnia and Herzegovina, North Macedonia, Kosovo, Montenegro, Serbia, và Thổ Nhĩ Kỳ là các ứng cử viên tiềm năng của EU. Như vậy với sự khuyến khích và ủng hộ của Mỹ, EU đã thành công trong việc mở rộng phạm vi địa lý và phạm vi ảnh của nền dân chủ phương Tây ở châu Âu, đúng như sự cam kết hợp tác giữa Mỹ và EU trong văn kiện hợp tác NTA giữa hai bên.

Thứ ba, trong lĩnh vực kinh tế, kế thừa quan hệ kinh tế Mỹ – EC và trên cơ sở những định hướng của văn kiện NTA, tháng 5-1998, Mỹ và EU dựng một chương trình hành động cụ thể mang tên Quan hệ đối tác Kinh tế xuyên Đại Tây Dương – Kế hoạch hành động (Transatlantic Economic Partnership (TEP) – Plan of Action). TEP xác định các phương thức thực hiện những vấn đề hợp tác trong các cơ chế đa phương, chẳng hạn trong khuôn khổ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và nhiều vấn đề cụ thể trong cơ chế hợp tác song phương Mỹ – EU như xóa bỏ các rào cản mang tính kỹ thuật đối với thương mại hàng hóa, hợp tác trong việc thực hiện chế tài, xem xét lại các cơ chế hợp tác song phương hiện hành, công nhận lẫn nhau (về tiêu chuẩn hàng hóa và các vấn đề có liên quan), xem xét sự phù hợp về tiêu chuẩn và các yêu cầu về chế tài, sự an toàn của sản phẩm đối với người tiêu dùng, duy trì việc mở cửa thị trường, cắt giảm những rào cản hiện hành thông qua sự công nhận lẫn nhau, vấn đề thị trường mua sắm (giành cho các chính phủ và chính quyền địa phương), sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm cùng với sức khỏe của vật nuôi và cây trồng, công nghệ sinh học, vấn đề môi trường, lao động, bảo vệ người tiêu dùng, thương mại điện tử, các thủ tục pháp lý về cạnh tranh.[7] Mặc dù Mỹ và EU đã xây dựng nhiều cam kết hợp tác với những qui định cụ thể nhưng giữa hai bên không tránh khỏi những bất đồng trong việc giải quyết những thách thức chung, chẳng hạn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính năm 2008-2009. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở London tháng 4-2009, các nhà lãnh đạo Mỹ và EU đã thể hiện sự bất đồng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng vì những cách tiếp cận khác nhau giữa Mỹ và EU. Theo đó, Mỹ muốn các thành viên EU tập trung vào các giải pháp kích thích kinh tế chung và nâng cao mức tiêu dùng nội khối, coi đó là những biện pháp quan trọng để đối phó với những thách thức của cuộc khủng hoảng đồng thời giúp cân bằng nền kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, đại diện các nền kinh tế lớn của EU là Đức, Pháp, Italia lại nhấn mạnh sự cần thiết phải điều tiết tài chính hơn nữa, đồng thời cần duy trì xuất khẩu nhiều hơn cũng như duy trì cân bằng ngân sách.[8] Tuy nhiên, những bất đồng đó không cản trở quan hệ thương mại và đầu tư giữa Mỹ và EU. Trong giai đoạn 1993-2016, quan hệ thương mại và đầu tư giữa Mỹ và EU vẫn là mối quan hệ kinh tế lớn nhất trên thế giới với tổng mức giao dịch trung bình hàng năm đạt 5 nghìn tỉ USD và tạo ra khoảng 15 triệu việc làm cho cả hai bên. Kể từ năm 2000, tính trung bình hàng năm, 56% tổng mức đầu tư toàn cầu của Mỹ dành cho EU. Chỉ tính riêng năm 2012, đầu tư của Mỹ vào EU chiếm hơn 70% tổng mức đầu tư toàn cầu, đạt xấp xỉ 1,9 nghìn tỉ USD, đồng thời tổng mức tài sản của Mỹ ở các nước EU trị giá hơn 13 nghìn tỉ USD và tổng mức tài sản của các đối tác châu Âu ở Mỹ khoảng 8,7 nghìn tỉ USD.[9] Để thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai bên, tháng 7-2013 Mỹ và EU tiến hành đàm phán hiệp định Quan hệ đối tác về thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (Transatlantic Trade and Investment Partnership, T-TIP). Tính đến tháng 10-2016, Mỹ và EU đã thực hiện 15 vòng đàm phán nhưng chưa đạt được sự thống nhất cuối cùng vì những khác biệt quan điểm giữa hai bên trong một số vấn đề cụ thể của văn kiện T-TIP. Như vậy, đây cũng là một bất đồng đáng chú ý trong hợp tác kinh tế giữa Mỹ và EU ở giai đoạn này.

Nhìn chung, mặc dù còn có những bất đồng trong một số vấn đề cụ thể, quan hệ Mỹ – EU giai đoạn 1993-2016 về cơ bản đi theo hướng hợp tác trên tinh thần của những văn bản hợp tác đã ký kết giữa hai bên và vì lợi ích chung của Mỹ và EU. Việc Chính quyền Obama, nổi tiếng với chính sách “Xoay trục châu Á”, phải “xoay trục” sang châu Âu trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014 đe dọa tới lợi ích của cả Mỹ và EU là một minh chứng. Trong năm 2014, Tổng thống B. Obama đã liên tục có các chuyến công du châu Âu để trấn an các đồng minh trong khu vực và cùng thống nhất với các lãnh đạo EU về hướng tiếp cận với những vấn đề quốc tế lớn ở châu Âu cũng như trên thế giới nhằm củng cố quan hệ Mỹ – EU và cùng bảo vệ lợi ích chung của hai bên trước những hệ lụy từ cuộc khủng hoảng Ukraine.[10] Một kết quả rõ nhất là sự đồng thuận và hợp tác giữa Mỹ và EU trong việc trừng phạt Nga vì việc sát nhập Ukraine năm 2014 mặc dù các nước châu Âu có sự phụ thuộc nhất định vào việc cung cấp năng lượng của Nga.

2. Thực trạng quan hệ Mỹ – EU dưới Chính quyền Trump

Ngay từ khi tham gia tranh cử ngôi vị Tổng thống Mỹ, Donald Trump, một tỉ phú bất động sản và là người chưa từng tham gia các công việc chính quyền, có những tuyên bố chính sách gây sốc nói chung và với khu vực EU nói riêng. Ông Trump đưa ra khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên” (America First), tức là đặt lợi ích của Mỹ lên trên hết, nhằm khôi phục sự vĩ đại của nước Mỹ. Theo ông Trump, để làm được điều đó đòi hỏi chính quyền Mỹ phải có những chính sách cứng rắn để bảo vệ lợi ích của Mỹ.[11] Với quan điểm đó khi được bầu làm Tổng thống Mỹ, Doanld Trump đã bày tỏ chính kiến về các vấn đề quốc tế cùng với những chính sách đối ngoại khác thường so với các chính quyền tiền nhiệm Mỹ, gây ra những cú sốc với nhiều đối tác, kể cả đối tác truyền thống lớn nhất của Mỹ là EU. Hơn nữa, Tổng thống Trump không ngần ngại bày tỏ sự nghi ngờ về EU cùng với hệ thống thương mại đa phương, chỉ trích sự không công bằng trong quan hệ an ninh và thương mại giữa Mỹ và EU và cho rằng điều này đã gây thua thiệt cho lợi ích của Mỹ và không công bằng đối với người lao động và các nhà kinh doanh Mỹ. Những nghi ngờ và chỉ trích đối với EU của Tổng thống Trump không khỏi làm cho các lãnh đạo EU quan ngại về mối quan hệ đối tác chặt chẽ của Mỹ với EU trong nhiều năm qua, đồng thời họ cũng lo lắng liệu Mỹ có tiếp tục là đối tác đáng tin cậy của EU hay không.[12]

Những khác biệt về quan điểm đối với các vấn đề quốc tế giữa Mỹ và EU phần nào được thể hiện trong Chiến lược An ninh quốc gia của Chính quyền Trump được ban hành tháng 12-2017. Trong văn kiện này, Chính quyền Trump coi khu vực EU là nơi tiếp tục có tầm quan trọng sống còn với lợi ích của Mỹ, là nơi có cùng chung những cam kết về dân chủ, tự do cá nhân và luật pháp, và là đối tác thương mại quan trọng nhất của Mỹ. Vì vậy, chính quyền Mỹ đưa ra những cam kết hợp tác với các đồng minh và đối tác châu Âu, trong đó có EU, vì những lợi ích chung, lý tưởng chung và để chống lại những thách thức chung. Đồng thời, chính quyền Mỹ cũng nhắc nhở các đồng minh châu Âu phải đảm đương nhiều trách nhiệm hơn và chia sẻ chi phí chung một cách công bằng. Vấn đề cụ thể đối với EU là phải đảm bảo “thương mại công bằng, có đi có lại và xóa bỏ các rào cản thương mại”. Trong khi đó những vấn đề mà EU quan tâm hơn chẳng hạn như biến đổi khí hậu, môi trường và nhân quyền lại rất ít được đề cập đến trong bản Chiến lược An ninh quốc gia của Chính quyền Trump.[13]

Trên thực tế, Chính quyền Trump vẫn duy trì những cam kết hợp tác mà các chính quyền tiền nhiệm Mỹ đã ký kết với EU. Về phía EU, dù có những khác biệt về quan điểm với chính quyền Mỹ nhưng hầu hết các nhà lãnh đạo của khối này vẫn coi các mối quan hệ chính trị và kinh tế chặt chẽ với Mỹ là nền tảng cho chính sách đối ngoại và an ninh của EU, đồng thời họ mong muốn tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa EU và Mỹ trong các vấn đề lớn như hoạch định chính sách, hỗ trợ các thể chế đa phương, đối phó với các thách thức an ninh, giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.[14] Ngoài ra, giữa Mỹ và EU có nhiều lợi ích chung và phụ thuộc lẫn nhau, vì thế hai bên vẫn phải hợp tác với nhau và tìm cách duy trì mối quan hệ hợp tác theo hướng dung hòa lợi ích của nhau. Thực tiễn hợp tác và bất đồng trong quan hệ Mỹ – EU dưới Chính quyền Trump còn thể hiện rõ qua một số vấn đề nổi bật như sau.

Quan điểm của Tổng thống D. Trump về vấn đề Brexit. Do những tính toán hơn thiệt trong lợi ích quốc gia, ngày 23-6-2016 chính quyền Anh đã tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc nước Anh rời khỏi tổ chức EU, còn gọi là Brexit. Đa số cử tri nước Anh đã tán thành việc nước Anh rời EU và dự kiến sẽ chính thức chia tay EU vào tháng 3-2019. Tuy nhiên, do một số vấn đề cần phải giải quyết liên quan tới cách thức rời bỏ EU và vấn đề biên giới giữa Anh với Cộng hòa Ailen (một thành viên của EU) nên thời hạn thực thi Brexit lùi lại tới ngày 31-01-2020. Đối với EU, sự ra đi của nước Anh là một thiệt hại lớn trên các phương diện khác nhau. Nước Anh là nền kinh tế lớn thứ hai của EU đóng góp tới 13% ngân sách hàng năm của EU tương đương 9,8 tỉ USD. Đồng thời, nước Anh là cường quốc quân sự và ngoại giao then chốt của EU, thực hiện vai trò dẫn dắt nhiều sáng kiến của EU, đặc biệt là trong việc mở rộng tổ chức EU, và trong những nỗ lực phát triển chính sách đối ngoại và chính sách phòng thủ chung của EU.[15] Như vậy, với vai trò to lớn trong tổ chức EU, sự ra đi của nước Anh làm suy giảm thực lực của EU trên các phương diện khác nhau. Vì vậy, một số nhà nghiên cứu cho rằng việc Anh rời khỏi EU đồng nghĩa với việc làm giảm nhẹ tầm quan trọng của EU đối với Mỹ.[16] Đánh giá này có liên quan đến quan điểm ủng hộ Brexit của Tổng thống D. Trump. Ngày 27-01-2017, trong cuộc đón tiếp Thủ tướng Anh Theresa May trong chuyến viếng thăm Nhà Trắng ngay sau khi Donald Trump nhậm chứcTổng thống, ông Trump đã nói với bà May rằng “Tôi nghĩ rằng Brexit sẽ là một điều tuyệt vời cho đất nước của bà. Các bạn sẽ có bản sắc riêng và có giao dịch thương mại riêng mà không bị ai theo dõi”.[17] Không chỉ bằng lời nói, sự ủng hộ vấn đề Brexit của Tổng thống Trump nhanh chóng được thể hiện bằng hành động. Trong thời gian chuyển tiếp của Brexit tức là khi nước Anh vẫn còn là thành viên của EU, tháng 10-2018 Chính quyền Trump đã đề xuất dự định tiến hành các cuộc đàm phán với Anh về một hiệp định thương mại Mỹ – Anh sau khi nước Anh không còn là thành viên EU. Như vậy, sự cổ vũ cho vấn đề Brexit của Tổng thống Trump nhằm tạo điều kiện cho Mỹ thiết lập quan hệ thương mại song phương trực tiếp với một cường quốc kinh tế là nước Anh. Điều này không thể thực hiện được khi Anh là thành viên của EU vì theo luật của EU các nước thành viên không được ký hiệp định thương mại song phương riêng rẽ. Ý định đàm phán một hiệp định thương mại với nước Anh của Tổng thống Trump cũng phù hợp với quan điểm thiếu thiện cảm của ông đối với EU khi ông gọi EU là “kẻ thù” (không phải với nghĩa EU là kẻ xấu mà là kẻ cạnh tranh không lành mạnh) vì EU đã thực hiện các hoạt động thương mại không công bằng và gây thiệt hại cho lợi ích của Mỹ.[18] Như vậy, sự ủng hộ của Tổng thống Trump đối với vấn đề Brexit hoàn toàn gây bất lợi cho EU, làm giảm lòng tin của các nhà lãnh đạo EU đối với chính quyền Mỹ, và tạo ra một nguyên cớ cho sự bất hòa giữa Mỹ và EU.

Chính sách đối với Nga. Do cùng chia sẻ những quan ngại về sự can dự của Nga trong các vấn đề ở châu Âu, Chính quyền Trump và EU đã cùng hợp tác trong một số vấn đề chính trị và an ninh ở châu Âu. Sau sự kiện Nga sát nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào nước Nga năm 2014, Mỹ và EU cùng thực hiện lệnh cấm vận và trừng phạt Nga. Năm 2018, cả Mỹ và EU cùng chỉ trích Nga vụ cha con cựu điệp viên Nga Sergei Skripal bị đầu độc ở Anh. Tuy nhiên, trong vấn đề dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (NS-2) có liên quan đến Nga, một số bất đồng đã nảy sinh giữa Mỹ và một số thành viên EU, do việc trừng phạt bổ sung của Mỹ đối với Nga. Dự án NS-2 xây dựng đường ống dẫn khí đốt xa bờ nối từ thành phố Vyborg (Nga) đến thành phố Greifswald (Đức) dọc theo biển Baltic. Dự án này bắt đầu được thực hiện từ năm 2018 và đã hoàn thành vào tháng 9-2021 nhưng chưa thể đi vào hoạt động vì còn chờ hoàn tất thủ tục cấp phép của EU. Chính quyền Trump tin rằng dự án NS-2 sẽ làm cho châu Âu phụ thuộc vào khí đốt của Nga, vì thế tạo điều kiện cho Nga gây ảnh hưởng nhiều hơn đối với châu Âu về chính trị và kinh tế. Quan điểm của Mỹ được một số quan chức EU, Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic ủng hộ nhưng lại vấp phải sự phản đối của Đức và Áo. Trong khi vấn đề dự án NS-2 đang còn tranh cãi, tháng 12-2019 với sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ, Tổng thống Trump đã ký Đạo luật Bảo vệ An ninh Năng lượng châu Âu (PEESA) nhằm mục đích ngăn cản việc xây dựng dự án NS-2. Căn cứ vào PEESA, Chính quyền Trump đã áp đặt trừng phạt đối với cá nhân và các tổ chức nước ngoài, trong đó có châu Âu, tham gia đầu tư vào dự án NS-2. Sự trừng phạt của Mỹ đã vấp phải sự chỉ trích của Nga vì dự án NS-2 giúp Nga hiện thực hóa tầm nhìn 30 năm giảm sự phụ thuộc vào các nước trung gian khi xuất khẩu khí đốt ra thị trường quốc tế. Điều đáng chú ý là sự phản đối  của Ủy ban châu Âu (European Commission) của EU đối với lệnh trừng phạt của Mỹ theo đạo luật PEESA. Theo quan điểm của các nhà lãnh đạo EU, các cá nhân và tổ chức ở châu Âu tham gia dự án NS-2 là các hoạt động kinh doanh hợp pháp, phù hợp với luật pháp của EU và châu Âu. Một số quan chức EU và châu Âu coi sự trừng phạt của Chính quyền Trump theo đạo luật PEESA thể hiện tính chất trừng phạt đơn phương vì thế họ quan ngại sẽ có sự tác động tới vấn đề hợp tác trừng phạt giữa Mỹ và EU.[19] Như vậy, bất đồng giữa Mỹ và EU liên quan đến dự án NS-2 xuất phát từ những khác biệt trong chính sách của Mỹ và chính sách của EU với Nga cũng như những khác biệt về lợi ích kinh tế giữa Mỹ và EU trong hợp tác với Nga.

Chính sách đối với Trung Quốc. So với các chính quyền tiền nhiệm Mỹ, quan hệ Mỹ – Trung Quốc dưới Chính quyền Trump căng thẳng hơn bao giờ hết, tiêu biểu là cuộc chiến thương mại chưa từng có tiền lệ giữa hai nước. Chính quyền Trump coi Trung Quốc là một trong những mối đe dọa đối với lợi ích của Mỹ ở khu vực châu Âu với các hoạt động thương mại “không công bằng” và các hoạt động đầu tư trong các ngành công nghiệp chủ chốt, các ngành công nghệ nhạy cảm và cơ sở hạ tầng.[20] Với nhãn quan đó, Chính quyền Trump mong muốn các đồng minh châu Âu hợp tác để hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Âu. Chẳng hạn trong lĩnh vực công nghệ thông tin, các quan chức Mỹ đã cảnh báo các đối tác châu Âu về những rủi ro từ công nghệ 5G của Trung Quốc đặc biệt là các thiết bị công nghệ của công ty Huawei. Tuy nhiên, cảnh báo của Mỹ không được các đối tác EU chào đón. Tháng 1-2020, các quốc gia thành viên EU, Ủy ban châu Âu của EU, và cơ quan chuyên trách an ninh mạng của EU thiết lập một gói công cụ an ninh 5G áp dụng ở tất cả các nước thành viên EU để đảm bảo an ninh mạng cho toàn bộ khối EU nhưng đồng thời EU không cấm các quốc gia thành viên sử dụng các thiết bị của Huawei. Nước Anh, một trong những nước có trình độ công nghệ thông tin phát triển hàng đầu trong khối EU, cũng gây thất vọng với Chính quyền Trump vì không hoàn toàn cấm sử dụng thiết bị của Huawei, đồng thời cho phép sử dụng 35% thiết bị của Huawei trong thành phần của bất cứ mạng viễn thông nào của Anh. Trường hợp của Italia, một trong những nước lớn của EU, cũng gây ra sự thất vọng lớn đối với Mỹ khi Italia quyết định tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc,[21] bất chấp sự vận động và thuyết phục của các quan chức Chính quyền Trump. Đầu năm 2020, có tới 2/3 thành viên EU bao gồm Hy Lạp, Luxembourg, các nước Trung và Đông Âu, đã ký kết các hiệp định hợp tác với Trung Quốc trong khuôn khổ của BRI. Như vậy ở mức độ nhất định, chính sách của Mỹ và chính sách của EU đối với Trung Quốc không cùng chung một tiếng nói. Các thành viên EU đã không đáp ứng sự mong đợi của Chính quyền Trump cùng hợp tác để chống lại những thách của Trung Quốc ở châu Âu trong các vấn đề an ninh và kinh tế.

Vấn đề chương trình hạt nhân Iran. Cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran bắt đầu từ năm 2002 khi chương trình hạt nhân của Iran bị phát giác và Iran bị nghi ngờ động cơ chế tạo vũ khí hạt nhân. Trong bối cảnh quan hệ Mỹ – Iran đối đầu từ năm 1979 đến nay, Mỹ không thể trực tiếp giải quyết cuộc khủng hoảng với Iran và phải nhờ sự giúp đỡ của EU. Ba nước thành viên hàng đầu của EU là Anh, Pháp và Đức cùng với Mỹ, Nga và Trung Quốc (còn gọi là nhóm P5+1: 5 thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) cùng với Iran đã tham gia các vòng đàm phán từ tháng 6-2006. Với sự nỗ lực của các bên tham gia đàm phán, một thỏa thuận hạt nhân Iran đã được ký kết vào tháng 7-2015 với tên gọi là “Kế hoạch hành động toàn diện chung” (JCPOA), theo đó các lệnh trừng phạt do Mỹ, EU và Liên Hợp Quốc áp đặt sẽ được dỡ bỏ. Đổi lại, Iran đồng ý hạn chế dài hạn chương trình hạt nhân mà phương Tây nghi ngờ nhằm chế tạo vũ khí hạt nhân. Như vậy, JCPOA mở ra khả năng giải quyết triệt để cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran, một vấn đề nóng bỏng trong quan hệ quốc tế, đồng thời chứng kiến sự hợp tác hiệu quả giữa Mỹ và EU trong việc đạt được JCPOA. Tuy nhiên, kể từ khi D. Trump trở thành Tổng thống Mỹ, sự đồng thuận giữa Mỹ và EU về vấn đề hạt nhân Iran không còn nữa do khác biệt quan điểm quá lớn giữa hai bên. Theo quan điểm của Tổng thống Trump, JCPOA là “điều tồi tệ với nước Mỹ và thế giới”, “nó không mang lại ổn định, không mang lại hòa bình và sẽ không bao giờ mang lại điều đó”, thậm chí ông tin rằng Iran lừa dối cộng đồng quốc tế và tiếp tục gây bất ổn ở Trung Đông.[22] Với quan điểm đó, tháng 8-2018 Chính quyền Trump rút khỏi JCPOA và tháng 11 cùng năm tái áp đặt trừng phạt với Iran. Đồng thời, Tổng thống Trump kêu gọi EU phối hợp với Mỹ hủy bỏ JCPOA và tái trừng phạt Iran. Trái với mong đợi của Tổng thống Trump, Anh, Pháp, Đức đại diện cho EU phản đối quan điểm của Tổng thống Trump cho rằng các bên tham gia JCPOA phải tuân thủ thỏa thuận này. EU cũng đưa ra cam kết sẽ “làm mọi điều có thể” để giữ thỏa thuận Iran trước áp lực đe dọa “làm chết yểu” JCPOA của Mỹ, đồng thời EU thông báo sẽ thiết lập cơ chế bảo vệ các công ty châu Âu tiếp tục làm ăn với Iran trước các lệnh trừng phạt của Mỹ.[23] Trong một nỗ lực giảm căng thẳng của vấn đề hạt nhân Iran, hậu quả của việc Mỹ rút khỏi JCPOA và tái trừng phạt Iran, ngày 9-5-2019 các nhà lãnh đạo EU cùng với Bộ trưởng ngoại giao các nước Anh, Pháp, Đức ra tuyên bố chung bác bỏ mọi tối hậu thư của Iran, đồng thời nhắc lại những cam kết mạnh mẽ của EU trong thỏa thuận JCPOA kể cả việc dỡ bỏ cấm vận đối với Iran.[24] Mặc dù EU chia sẻ quan ngại với Mỹ về chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và mối liên hệ của Iran với vấn đề khủng bố ở khu vực Trung Đông nhưng EU vẫn chủ chương tách các vấn đề này với vấn đề thực thi JCPOA để giải quyết riêng rẽ. Hơn nữa, ba nước Anh, Pháp, Đức tuyên bố không tham gia cùng với Mỹ gây áp lực tối đa lên Iran để đàm phán lại thỏa thuận JCPOA theo yêu cầu của Chính quyền Mỹ, bất chấp sự đe dọa của Tổng thống Trump sẽ áp đặt 25% thuế đánh vào ô tô xuất khẩu của EU sang Mỹ nếu ba nước Anh, Pháp, Đức không hợp tác với Mỹ về vấn đề Iran. Một số quan chức châu Âu và người quan sát gọi sự đe dọa của Tổng thống Trump là một kiểu chiến thuật mang tính chất “tống tiền” và “mafia”, vì thế làm suy tổn mối quan hệ đồng minh lâu đời giữa Mỹ và châu Âu.[25]

Vấn đề thương mại và đầu tư song phương Mỹ – EU. Trong nhiều thập kỷ hợp tác, mức độ hội nhập trong quan hệ thương mại và đầu tư song phương Mỹ – EU rất cao với mức thuế quan trung bình thấp, ngoại trừ một số mặt hàng nhạy cảm. Mặc dù vậy vẫn có những khác biệt về chính sách và các vấn đề hàng rào phi thuế, đồng thời những tranh chấp trong các vấn đề kinh tế và thương mại vẫn định kỳ xảy ra giữa hai bên. Nhìn chung dưới Chính quyền Trump, Mỹ và EU vẫn là những đối tác hàng đầu của nhau với tổng mức giá trị đầu tư trực tiếp năm 2018 đạt gần 6 nghìn tỉ USD và tổng mức giá thương mại năm 2019 đạt 1,3 nghìn tỉ USD.[26] Tuy nhiên, những bất đồng và tranh chấp thương mại giữa Mỹ và EU xảy ra nghiêm trọng hơn so với các giai đoạn trước. Nguyên nhân chính là do tác động của chính sách thương mại của Chính quyền Trump với ưu tiên giảm thâm hụt thương mại giữa Mỹ và EU. Chính quyền Trump chỉ trích các hoạt động thương mại bị cho là “không công bằng” của EU, đặc biệt là Đức, gây ra sự thâm hụt trong thương mại của Mỹ với EU, chẳng hạn năm 2019, tổng mức thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ của Mỹ với EU là 123 tỉ USD. Chính quyền Trump cũng đặc biệt chỉ trích sự mất cân đối trong buôn bán mặt hàng ôtô trong đó EU áp mức thuế 10% so với mức 2,5% của Mỹ. Phản ứng lại quan điểm của chính quyền Mỹ, các nhà lãnh đạo EU cho rằng quan hệ thương mại giữa hai bên là công bằng và vì lợi ích chung, đồng thời khẳng định các công ty Mỹ vẫn được hưởng lợi trong làm ăn với các đối tác châu Âu, chẳng hạn mức thuế xe tải của Mỹ là 25% cao hơn mức thuế 22% của EU áp vào mặt hàng này, hoặc các công ty đa quốc gia của Mỹ làm ăn với các đối tác EU trong năm 2017 đạt mức doanh thu 2,5 nghìn tỉ USD so với mức 2,1 nghìn tỉ USD của các công ty đa quốc gia của EU làm ăn ở Mỹ. Mặc dù vậy, Chính quyền Trump vẫn giữ quan điểm của mình và đưa biện pháp mang tính “trả đũa” EU. Tháng 6-2018, Mỹ áp đặt mức thuế 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu từ EU. Hầu hết các nhà lãnh đạo EU cho rằng chính quyền Mỹ áp đặt hai mức thuế này là vô căn cứ trong bối cảnh hai bên là đối tác quan trọng của nhau trong lĩnh vực chính trị và an ninh. Tuy nhiên, EU cũng không ngần ngại áp đặt thuế “trả đũa” đối với một số hàng hóa của Mỹ với các mức thuế từ 10% đến 25% và tổng giá trị các hàng hóa Mỹ xuất khẩu sang EU năm 2018 bị áp mức thuế “trả đũa” là 2,91 tỉ USD. Kết cục là cả Mỹ và EU kiện nhau ở Tổ chức thương mại thế giới (WTO).[27] Ngoài ra, những bất đồng trong quan hệ kinh tế – thương mại giữa Mỹ và EU dưới Chính quyền Trump làm cho việc đàm phán về Hiệp định Quan hệ đối tác về thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (T-TIP), được khởi xướng từ thời Chính quyền Obama, tiếp tục lâm vào bế tắc. Trong các cuộc đàm phán về Hiệp định T-TIP, cả Mỹ và EU không cùng chung tiếng nói trong ba nhóm vấn đề lớn gồm thuế quan đối với các mặt hàng công nghiệp, các qui định về dịch vụ thương mại, và vấn đề loại trừ hay bao gồm các mặt hàng nông nghiệp trong Hiệp định T-TIP.[28] Những bất đồng lớn trong quan hệ thương mại và đầu tư giữa Mỹ và EU là hệ quả rõ nét nhất của chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Chính quyền Trump.

Vấn đề ứng phó với đại dịch Covid-19. Đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát mạnh mẽ ở nhiều nơi trên thế giới. Đây cũng là năm cuối trong nhiệm kỳ của Tổng thống D. Trump. Nhiều nước châu Âu khi đó trở thành trung tâm của đại dịch Covid-19 như Anh, Italia, Pháp, Tây Ban Nha, Đức. Vào thời điểm này, nước Mỹ ở bên kia Đại Tây Dương vẫn còn tương đối an toàn hơn so với châu Âu vì thế ngày 11-3-2020 Chính quyền Trump đã ban hành lệnh cấm đi lại tạm thời đối với công dân của 26 nước thuộc khu vực Schengen của EU,[29] theo đó công dân các nước này tạm thời không được phép nhập cảnh vào Mỹ. Các quan chức Mỹ biện minh cho lệnh cấm này nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus Covid-19 từ khu vực Schengen. Không chấp nhận lệnh cấm đi lại tạm thời cùng với lý do của chính quyền Mỹ, các nhà lãnh đạo EU đưa ra một tuyên bố chung lưu ý phía Mỹ rằng Covid-19 là đại dịch toàn cầu vì thế “đòi hỏi sự hợp tác hơn là hành động đơn phương”, đồng thời họ bày tỏ sự không đồng tình với lệnh cấm đi lại tạm thời của chính quyền Mỹ vì đã không tham vấn đối tác EU. Ngoài ra ở thời điểm này, công dân Mỹ đang được hưởng qui chế miễn thị thực nhập cảnh vào khu vực Schengen của EU, và tất cả các thành viên EU trong khu vực Schengen cũng đang được hưởng qui chế miễn thị thực nhập cảnh của Mỹ. Vì vậy, khi Chính quyền Trump đơn phương thực thi lệnh cấm, dù là tạm thời, công dân các nước khu vực Schengen của EU đến Mỹ cũng có nghĩa là một sự vi phạm thỏa thuận miễn thị thực có đi có lại giữa Mỹ và EU. Đồng thời, việc Chính quyền Trump đơn phương ban hành lệnh cấm nhập cảnh của công dân các nước ở khu vực Schengen mà không tham vấn EU, ở mức độ nhất định, chính là sự thiếu tôn trọng đối với một đối tác quan trọng hàng đầu như EU. Trên thực tế, lệnh cấm nhập cảnh vào Mỹ của Chính quyền Trump những ngày đầu đã gây ra tình trạng hỗn loạn và sự mắc kẹt của nhiều hành khách ở nhiều sân bay châu Âu. Trong một động thái đáp trả, EU sau đó cũng ban hành một lệnh cấm tạm thời người nước ngoài, kể cả công dân Mỹ, nhập cảnh vào các nước thuộc khu vực Schengen của EU. Khi đại dịch Covid-19 bùng nổ mạnh ở Mỹ và ở nhiều nước khác trên thế giới, nhiều quan chức EU đã chỉ trích cách ứng phó với đại dịch Covid-19 của Chính quyền Trump, đặc biệt là việc Mỹ rút tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rồi sau đó rút khỏi tổ chức này. Các quan chức EU cũng chỉ trích việc Mỹ cấm vận kinh tế Iran và Venezuela đã cản trở hỗ trợ nhân đạo quốc tế cho hai nước này trong lúc đại dịch Covid-19 đang hoành hành ở đây. Một số quan chức các nước châu Âu, đặc biệt là Đức và Pháp, còn phàn nàn về những nỗ lực của chính quyền Mỹ trong việc đấu thầu với giá cao trên thị trường thế giới để tranh mua các mặt hàng khẩu trang và thiết bị y tế thiết yếu trong lúc đại dịch Covid-19 đang lan tràn ở nhiều nơi trên thế giới.[30] Những khác biệt giữa Mỹ và EU trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19 làm tăng thêm mâu thuẫn giữa hai bên.

Như vậy, qua các vấn đề được lựa chọn nghiên cứu điểm cho thấy quan hệ giữa Mỹ và EU trong nhiệm kỳ của Tổng thống D. Trump đã xảy ra nhiều bất đồng lớn chưa từng thấy trong lịch sử quan hệ Mỹ – EU. Những bất đồng này xảy ra trên các lĩnh vực khác nhau như chính trị, an ninh và kinh tế, chủ yếu do tác động của chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Trump. Thực tế này đúng với nhận xét của các chuyên gia Mỹ cho rằng “Chưa có một tổng thống Mỹ nào lại nghi ngờ về những nguyên lý cơ bản của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương như Tổng thống Trump”.[31] Những bất đồng giữa Mỹ và EU dưới Chính quyền Trump, ở mức độ nhất định, đã làm rạn nứt sự gắn kết giữa hai bên và làm giảm sút nghiêm trọng lòng tin của các nhà lãnh đạo EU với Mỹ. Nhiều người trong số họ đã kêu gọi tổ chức này cần phải độc lập hơn trong quan hệ với Mỹ trong các vấn đề quốc tế. Hệ quả là tháng 6-2019, các nhà lãnh đạo EU đã thông qua Chương trình nghị sự chiến lược mới cho giai đoạn 2019-2024, nhấn mạnh rằng “Trong một thế giới ngày càng nhiều sự bất ổn, phức tạp và thay đổi, tổ chức EU cần theo đuổi một chương trình hành động chiến lược và gia tăng khả năng hành động một cách độc lập để đảm bảo lợi ích của mình, đề cao những giá trị và cách sống của mình, đồng thời giúp định hình tương lai của toàn cầu”.[32] Những tuyên bố như vậy thể hiện sự phản ứng mạnh mẽ của EU đối với những chính sách khác thường của Chính quyền Trump. Đồng thời, EU cho thấy ý định muốn đóng vai trò một lãnh đạo thế giới, và dự định này có thể được hiểu là EU đang thách thức vai trò của Mỹ trên trường quốc tế. Hơn nữa, phản ứng của EU thể hiện sự rạn nứt nghiêm trọng trong quan hệ hợp tác vốn được coi là rất chặt chẽ giữa Mỹ và đồng minh châu Âu trong nhiều thập kỷ qua.

  1. Nhận xét

Qua nghiên cứu thực trạng quan hệ Mỹ – EU dưới chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể đưa ra một số nhận xét như sau.

Thứ nhất, mối quan hệ giữa Mỹ và EU dưới Chính quyền Trump (2017-2020) về cơ bản vẫn duy trì quan hệ hợp tác theo những nguyên tắc và cam kết đã được Mỹ và EU thiết lập ở các giai đoạn trước. Mặc dù vậy, hai bên có những bất đồng lớn trên các lĩnh vực khác nhau, chủ yếu do tác động của chính sách “Nước Mỹ trước tiên”, chính sách đối ngoại của Mỹ đối với châu Âu và đối với nhiều vấn đề quốc tế trên phạm vi toàn cầu. Đặc biệt, quan điểm của Tổng thống D. Trump trong việc nhìn nhận những vấn đề song phương giữa Mỹ và EU và trong nhiều vấn đề quốc tế có nhiều điểm khác thường so với quan điểm của các Tổng thống Mỹ khác nên đã gây ra những nghi ngờ và quan ngại cho các nhà lãnh đạo EU, vì thế cũng làm cho tính hiệu quả trong sự hợp tác giữa Mỹ và EU trong một số vấn đề khu vực và thế giới bị hạn chế, chẳng hạn chính sách đối với Nga và Trung Quốc, vấn đề hạt nhân Iran, hoặc vấn đề ứng phó với đại dịch Covid-19.[33]

Thứ hai, những bất đồng giữa Mỹ và EU là khó tránh khỏi khi hai bên có những khác biệt về thể chế chính trị và lợi ích. Về thể chế chính trị, việc hoạch định và thực thi các chính sách đối ngoại của Mỹ do các cơ quan có thẩm quyền của Mỹ triển khai nhằm phục vụ lợi ích quốc gia của Mỹ vì thế thuận lợi hơn nhiều so với một tổ chức gồm nhiều quốc gia như EU. Trong khi đó, EU là một tổ chức khu vực với sự liên kết của hơn 20 quốc gia khác nhau về tầm vóc và mức độ phát triển cùng với những quyền tự chủ nhất định của riêng từng nước vẫn được duy trì song hành với những quyền chung về chính trị, ngoại giao và kinh tế của tổ chức EU. Mặc dù mang tính liên kết cao nhưng với cơ cấu tổ chức như vậy nên sự đồng thuận của EU không phải là tuyệt đối. Trên thực tế, các thành viên EU có những quan điểm khác biệt trong chính sách đối với nhiều vấn đề then chốt có liên quan đến lợi ích của EU, chẳng hạn như vấn đề nhập cư, ứng phó với biến đổi khí hậu, ứng phó với các vấn đề chính trị và an ninh ở Libya, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, về sự can dự của Nga và Trung Quốc ở châu Âu.[34] Về lợi ích quốc gia, Mỹ là siêu cường hàng đầu thế giới vì thế có lợi ích quốc gia ở tầm khu vực và phạm vi toàn cầu, tương xứng với vị thế quốc tế của Mỹ. Trong khi đó, với tư cách là một tổ chức khu vực nên lợi ích của EU mang tính khu vực cao hơn tính toàn cầu, mặc dù EU ngày càng tham gia vào những vấn đề mang tính toàn cầu, chẳng hạn như biến đổi khí hậu hoặc phòng chống dịch bệnh.

Thứ ba, mặc dù có những bất đồng lớn nhưng vì bị rằng buộc bởi những lợi ích chung và tính chất phụ thuộc lẫn nhau, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, nên sự hợp tác vẫn được duy trì và là dòng chảy chính trong quan hệ giữa Mỹ và EU trong nhiệm kỳ của Chính quyền Trump. Vấn đề lợi ích chung và tính chất phụ thuộc lẫn nhau là hai yếu tố chủ đạo tác động lớn đến chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với EU từ năm 2021 đến nay. Chính quyền Biden đã cài đặt lại quan hệ Mỹ -EU, xem xét lại những chính sách gây tranh cãi mà Chính quyền Trump đã áp dụng với EU, chẳng hạn như áp đặt mức thuế 25% đối với nhiều mặt hàng của EU, để hàn gắn sự rạn nứt trong quan hệ giữa Mỹ và EU dưới Chính quyền Trump.[35] Động thái của Chính quyền Biden đã nhận được sự hoan nghênh của các đối tác châu Âu và từng bước đưa quan hệ Mỹ – EU trở lại quĩ đạo hợp tác truyền thống của mối quan hệ hợp tác xuyên Đại Tây Dương.

Thứ tư, Mỹ và EU là hai đối tác lớn và là hai trong số những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Việc nghiên cứu quan hệ Mỹ – EU thông qua những hoạt động hợp tác và cả những bất đồng giữa hai bên cũng góp phần làm rõ quan điểm và chính sách đối ngoại của Mỹ và của EU trong nhiều vấn đề hợp tác quốc tế song phương và đa phương. Vì vậy, đây là hướng nghiên cứu nên được tiếp tục với những nghiên cứu chuyên sâu về những vấn đề cụ thể trong chính sách đối ngoại của Mỹ và của EU cũng như trong quan hệ song phương giữa Mỹ và EU trên các lĩnh vực khác nhau. Những nghiên cứu như vậy sẽ góp phần gợi mở chính sách cho Việt Nam trong quan hệ với Mỹ và EU vì lợi ích quốc gia của Việt Nam.

[1] Henry Kissinger (2018). Trật tự thế giới. Nhà xuất bản Thế giới. Hà Nội. Tr. 137-138.

[2] New Transatlantic Agenda (1995). https://useu.usmission.gov/new-transatlantic-agenda. Truy cập: 15-10-2015.

[3] Alvin Z. Rubinstein, Albina Shayevich, Boris Zlotnikov (Editors, 2000). The Clinton Fopreign Policy Reader: Presidential Speeches with Commentary. M. E. Sharpe, Inc. New York. USA. Tr. 32-33.

[4] Stanley R. Sloan (2003). NATO, the European Union and the Atlantic Community: The Transatlantic Bargain Reconsidered.  Rowman & Littlefield. Tr. 156.

[5] History of European Union. https://european-union.europa.eu/principles-countries-history/history-eu/2000-09_en. Truy câp: 10-11-2020.

[6] National Security of the United States (2010). White House. Washington D.C. http://www.bits.de/NRANEU/others/strategy/national_security_strategy.pdf. Truy cập: 12-10-2015.

[7] Transatlantic Economic Partnership – Plan of Action (May 1998). https://useu.usmission.gov/transatlantic-economic-partnership-plan-action. Truy cập: 15-10-2015.

[8] Obama và châu Âu: thời trăng mật ngọt ngào đã qua? http://www.vietnamnet.vn/thegioi/200910/Obama-va-chau-Au-thoi-trang-mat-ngot-ngao-da-qua-875826. Truy cập: 28-10-2010.

[9] Derek E. Mix. The United States and Europe: Current Issues. CRS Report. RS22163. Congressional Research Service. Washington D.C. February 3, 2015.

[10] Mỹ lại “xoay trục”sang châu Âu? http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/thegioi/2014/3/50AED4C0F55F3135. Truy cập: 27-3-2015.

[11] Donald Trump. Đã đến lúc phải cứng rắn để khôi phục sự vĩ đại của nước Mỹ. Công ty Cổ phần sách Alpha. Nhà xuất bản Thế giới, 2016. Tr. 27.

[12] Vincent L. Morelli & Kristin Archick. Transatlantic Relations in 2018. CRS INSIGHT. IN10847. Congressional Research Service. Washington D.C. January 10, 2018.

[13] National Security of the United States (2017). White House. Washington D.C. http: www.whitehouse.gov/wp-content/uploads/2017/12/NSS-Final-12-18-2017-0905.pdf. Truy cập: 10-3-2018.

[14] Transatlantic Relations in 2018. Tlđd.

[15] Tham khảo Chu Thanh Vân. Chính sách của Anh với EU: Từ Maastrcht đến Brexit. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2020. Tr. 132-134.

[16] Kristin Archick, Paul Belkin, Shayerah Ilias Akhtar, Derek E. Mix. Transatlantic Relations: U.S. Interests and Key Issues. CRS Research. R45745. Congressional Research Service. Washington D.C. April 27, 2020. Tr. 9.

[17] Phương Vũ. Donald Trump chủ động nắm tay nữ thủ tướng Anh Theresa May tại Nhà Trắng. http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/donald-trump-chu-dong-nam-tay-nu-thu-tuong-anh-theresa-may-tai-nha-trang-3534211.html. Truy cập: 20-02-2017.

[18] Kristin Archick. The European Union: Questions and Answers. CRS REPORT. RS21372. Congressional Research Service. Washington DC, October 28, 2021. Tr. 17.

[19] Transatlantic Relations: U.S. Interests and Key Issues. Tlđd. Tr. 10.

[20] National Security of the United States (2017). Tlđd. Tr. 47.

[21] Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc được khởi xướng từ năm 2013 với chi phí khoảng 1.000 tỉ USD với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở khắp các châu lục trên thế giới nhằm gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu và cạnh tranh với vị thế siêu cường hàng đầu thế giới của Mỹ.

[22] Thanh Tâm. Iran “thấy xương gãy” dưới đòn trừng phạt của Mỹ. https://vnexpress.net/the-gioi/iran-thay-xuong-gay-duoi-don-trung-phat-cua-my-4040683.html. Truy cập: 15-1-2020.

[23] Iran “thấy xương gãy” dưới đòn trừng phạt của Mỹ. Tlđd.

[24] Kenneth Katzman. U.S.-Iran Tensions Escalate. IN FOCUS. IF11212 · VERSION 4. Congressional Research Service. Washington DC, June 13, 2019.

[25] Transatlantic Relations: U.S. Interests and Key Issues. Tlđd. Tr. 18.

[26] Transatlantic Relations: U.S. Interests and Key Issues. Tlđd. Tr. 23-24.

[27] Transatlantic Relations: U.S. Interests and Key Issues. Tlđd. Tr. 26.

[28] Shayerah I. Akhtar, Andres B. Schwarzenberg, Renée Johnson. U.S.-EU Trade Agreement Negotiations: Issues and Prospects. Congressional Research Service. IN FOCUS. IF 11209. Wahsington D.C. December 23, 2020.

[29] Hiệp định Schengen về tự do đi lại được ký kết năm 1985 ở thị trấn Schengen của Luxembourg với 5 nước thành viên ban đầu. Năm 1999 Hiệp định Schengen được đưa vào luật của EU theo đó công dân các nước tham gia Hiệp định Schengen được tự do đi lại trong phạm vi của khu vực mà có thể không bị kiểm tra hộ chiếu. Năm 2020, 26 nước châu Âu tham gia Hiệp định Schengen bao gồm 22 nước thành viên EU: Áo, Bỉ, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Italia, Latvia, Lithuania, Luxembourg, Malta, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Slovakia, Slovenia, và Thụy Điển, và 4 nước không phải thành viên EU: Iceland, Liechtenstein, Na Uy, và Thụy Sĩ.

[30] Transatlantic Relations: U.S. Interests and Key Issues. Tlđd. Tr. 22-23.

[31] Transatlantic Relations: U.S. Interests and Key Issues. Tlđd. Tr. 1.

[32] European Council. A New Strategic Agenda 2019-2024. Brussels, June 2019. https://www.consilium.europa.eu/media/
39914/a-new-strategic-agenda-2019-2024.pdf. Truy cập: 15-5-2020.

[33] Tham khảo Thiều Quang. Thiếu hợp tác, phương Tây có nguy cơ ‘hỗn loạn’ sau dịch Covid-19. https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/binh-luan-quoc-te/thieu-hop-tac-phuong-tay-co-the-hon-loan-sau-dich-covid-19-624387.html; Văn Chu. Châu Âu hoan nghênh gói đề xuất cứu trợ của ông Biden, hy vọng xoa dịu bất đồng về trợ giá máy bay. https://baoquocte.vn/chau-au-hoan-nghenh-goi-de-xuat-cuu-tro-cua-ong-biden-hy-vong-xoa-diu-bat-dong-ve-tro-gia-may-bay-134058.html. Truy câp: 16-4-2021.

[34] Transatlantic Relations: U.S. Interests and Key Issues. Tlđd.

[35] Thế Việt. Tổng thống Biden xem xét lại chính sách làm leo thang quan hệ Mỹ-EU dưới thời ông Trump. https://baoquocte.vn/tong-thong-biden-xem-xet-lai-chinh-sach-lam-leo-thang-quan-he-my-eu-duoi-thoi-ong-trump-136044.html. Truy câp: 6/3/2021.