PGS.TS. THIẾU TƯỚNG LÊ VĂN CƯƠNG
(Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an.)
Công tác phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam hai năm trở lại đây đã được tổ chức Quốc tế công nhận nỗ lực. Việt Nam đã tăng 6 bậc về Chỉ số minh bạch Quốc tế (CPI). Tuy nhiên, Đảng và Nhà nước vẫn cần phải cải thiện rất nhiều để giải quyết vấn nạn tham nhũng triệt để.
PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương là một trong những người rất quan tâm về vấn đề tham nhũng ở Việt Nam và thế giới. Ở Việt Nam, ông là một trong những người viết nhiều về tham nhũng. Cùng trò chuyện với PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương – Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an để tìm hiểu thêm về tham nhũng.
TS. Lê Hoàng Anh Tuấn? Thưa Thiếu tướng, trên thế giới đã có hàng nghìn bài viết, công trình nghiên cứu về tham nhũng. Với tư cách là một nhà nghiên cứu, ông có thể cho biết bản chất của tham nhũng là gì?
PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đã có hàng chục định nghĩa, quan niệm về tham nhũng. Mỗi định nghĩa đều có nhân hợp lý và phản ánh được bản chất của tham nhũng từ những góc nhìn khác nhau.
Tôi đưa ra quan niệm về tham nhũng như sau: Tham nhũng là biểu hiện đặc trưng về sự tha hóa của công quyền.
Người dân trao cho quan chức quyền lực1 (công quyền) để họ sử dụng quyền lực đó mang lại lợi ích cho quốc gia và người dân; nhưng một số quan chức đã sử dụng công quyền để vụ lợi (phục vụ lợi ích cá nhân, gia đình, phe nhóm). Ở đây “công quyền” đã biến thái thành “tư quyền”. Đó là sự tha hóa của công quyền. Trên phương diện này, có thể nói tham nhũng là căn bệnh “thâm căn cố đế” của mọi nhà nước; và “tuổi” của tham nhũng bằng “tuổi” của nhà nước. Nói cách khác, ở đâu và khi nào có nhà nước thì ở đó, khi đó có tham nhũng, tất nhiên, với quy mô, tính chất khác nhau.
Với ý nghĩa đó, có thể nói, tham nhũng là cái bóng đen của nhà nước trùm lên xã hội.
Có tham nhũng ngoài nhà nước không? Câu trả lời của tôi là có! Trong các tập đoàn, công ty kinh tế và trong các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức dân sự, các hiệp hội nghề nghiệp – những tổ chức không phải là thành tố của bộ máy công quyền – cũng có các hành vi dùng quyền lực công cộng để vụ lợi – tham nhũng.
PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương bên (trái) và
Lê Hoàng Anh Tuấn bên (phải) – Ảnh: Đặng Thảo
TS. Lê Hoàng Anh Tuấn? Ông có thể nói rõ hơn về hậu quả của tham nhũng?
PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tham nhũng gây hậu quả hết sức nghiêm trọng về nhiều mặt.
Về chính trị, người dân trao quyền cho quan chức, quan chức dùng quyền dân trao cho để vụ lợi. Người dân mất quyền, họ không tin vào nhà nước, thậm chí họ biểu tình phản đối, cao điểm là bạo loạn lật đổ chính quyền (Tuynisia và Ai Cập đầu năm 2011…).
Về kinh tế, một nguồn lực lớn không được sử dụng để phát triển kinh tế và nâng cao mức sống của người dân. Tham nhũng cũng là bà đỡ của lãng phí tài nguyên, nguồn lực. Tham nhũng làm suy giảm nghiêm trọng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, tăng nợ xấu, nợ công và làm cho nền kinh tế quốc gia phụ thuộc vào nước ngoài, bị nước ngoài chi phối.
Về đạo đức, luân lý, rất khó tìm thấy một kẻ tham nhũng nào có lối sống lành mạnh phù hợp với chuẩn mực về đạo đức, pháp lý của quốc gia. Trên khắp thế giới, hầu hết những kẻ tham nhũng có lối sống buông thả, bất chấp, vô đạo đức, tàn nhẫn; gia đình, con cái, các đệ tử, tay chân, ở mức độ khác nhau, cũng cuốn theo lối sống giang hồ, vô liêm sỉ đó. Chính những kẻ tham nhũng “có công” trong việc truyền bá lối sống vị kỷ, tôn thờ hưởng lạc một cách bệnh hoạn vào xã hội.
Về ngoại giao, những quốc gia có tệ nạn tham nhũng nặng nề khó chiếm được tình cảm của dư luận và cộng đồng quốc tế. Người ta chỉ tôn trọng các quốc gia có bộ máy công quyền sạch (rất ít tham nhũng), cho dù quốc gia đó lớn hay nhỏ, phát triển cao hay đang phát triển.
Về lịch sử, những kẻ tham nhũng là những kẻ cản trở phát triển tiến bộ, văn minh, là những kẻ cố tình kéo lùi sự phát triển văn minh nhân loại, họ là những tội phạm lịch sử.
TS. Lê Hoàng Anh Tuấn? Từ góc nhìn khoa học, ông đánh giá như thế nào về nguyên nhân và điều kiện của tham nhũng, ở Việt Nam nói riêng cũng như trên thế giới nói chung?
PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tham nhũng là hành vi của những quan chức sử dụng công quyền để vụ lợi (phục vụ lợi ích của cá nhân, gia đình, phe nhóm). Do đó, nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp của tham nhũng là những quan chức đã tha hóa, biến chất gây ra. Đó là nguyên nhân chủ quan.
Về khách quan, có nhiều vấn đề (có thể xem là nguyên nhân khách quan hay là điều kiện làm cho tham nhũng phát sinh, tồn tại, phát triển).
Một là, hệ thống giám sát quyền lực rất sơ hở, lỏng lẻo, không hiệu quả. Quyền lực không được giám sát chặt chẽ, sớm muộn cũng sẽ tha hóa. Đó là quy luật và rất ít ngoại lệ, Nói chung, các nước G-7 và một số quốc gia (Singapore, New Sealand, Thụy Điển, Phần Lan…) tham nhũng rất ít vì tại các quốc gia này hệ thống luật pháp khá hoàn chỉnh và việc giám sát quyền lực được thực hiện chặt chẽ. Nhiều nước đang phát triển, hệ thống luật pháp chưa hoàn chỉnh và việc giám sát quyền lực lỏng lẻo tạo điều kiện cho tham nhũng phát triển.
Hai là, việc xử lý hình sự các vụ phạm tội tham nhũng không kịp thời, không nghiêm minh, không công khai nên không có giá trị răn đe những kẻ muốn tham nhũng.
Ba là, hệ thống giáo dục, đào tạo con người có khuyết tật và lỗ hổng lớn trong việc giáo dục, rèn luyện đạo đức xã hội và trách nhiệm công dân; xã hội thiếu một chuẩn mực đạo đức, pháp lý rõ ràng, tiên tiến và nhân văn.
Bốn là, hệ thống truyền thông (báo nói, báo hình, báo viết, báo mạng) chưa làm tốt vai trò cung cấp thông tin và hướng dẫn dư luận xã hội vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Năm là, khi lương của quan chức quá thấp thì rất khó phòng, chống tham nhũng. Khi nhà nước không nuôi được quan chức thì họ phải kiếm sống bằng nhiều cách, trong đó có cách ăn cắp của công – tham nhũng.
TS. Lê Hoàng Anh Tuấn? Thưa ông, các nước trên thế giới cũng như Việt Nam đã có rất nhiều chủ trương chống tham nhũng, và cuộc đấu tranh này cũng đã có kết quả. Nhưng để đẩy lùi, tiêu diệt tham nhũng thì dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu, ông nghĩ gì về các giải pháp đẩy lùi tham nhũng?
PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đẩy lùi tham nhũng là một việc rất khó nhưng không phải không làm được. Chắc chắn đẩy lùi được tham nhũng nếu chính phủ các nước đồng thời thực hiện các việc sau đây.
Một là, phải có quyết tâm và ý chí chống tham nhũng. Phải đặt việc chống tham nhũng như cứu hỏa: nhà đang cháy phải tập trung chữa cháy. Chống tham nhũng cũng phải làm như chữa cháy. Nói nhiều, làm ít thì không thể đẩy lùi được tham nhũng. Cách đây gần bảy chục năm, Hồ Chí Minh đã nói: chống tham ô cũng cần kíp như đánh giặc ngoài mặt trận.
Hai là, phải sửa đổi hệ thống luật pháp và tổ chức việc giám sát quyền lực một cách hết sức chặt chẽ. Chính phủ cần công khai, minh bạch trong hoạt động (trừ những vấn đề thuộc bí mật quốc gia) để người dân có thể giám sát được hoạt động của các quan chức và các cơ quan công quyền.
Trên đời này, ba ngàn năm qua và ba ngàn năm sau, người ta ăn vụng trong bóng tối chứ không ai ăn vụng dưới ánh đèn sáng. Xét đến cùng, tham nhũng là một hành vi ăn vụng. Do đó, công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan công quyền là điều kiện tốt nhất để phòng, chống tham nhũng.
Ba là, mọi dự án phát triển kinh tế – xã hội (trừ những vấn đề quốc phòng, an ninh), trước khi quyết định, nhà nước phải công khai thông tin và xin ý kiến của người dân, các nhà khoa học, các tổ chức chính trị – xã hội, các hội nghề nghiệp…
Bốn là, mọi hành vi phạm tội tham nhũng phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh và công khai. Phải thấy rằng tội phạm tham nhũng nguy hiểm hơn, nghiêm trọng hơn và gây hậu quả lớn hơn tội cướp ngân hàng. Nếu một tên cướp 1 triệu USD chịu hình phạt 10 năm tù giam thì kẻ tham nhũng 1 triệu USD phải chịu hình phạt 20 năm, thậm chí 30 năm tù giam.
Năm là, nhà nước phải cấp lương (và các chế độ khác nếu có) cho quan chức để họ đủ trang trải cuộc sống bình thường của gia đình. Quan chức là một nghề, nghề đặc biệt, nhà nước phải làm sao cho quan chức sống được, thậm chí là sống tốt với nghề của mình.
Sáu là, nhà nước phải tạo điều kiện cho báo chí, truyền thông trực tiếp làm lực lượng xung kích trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tâm lý của quan chức ở mọi quốc gia là rất sợ dư luận xã hội (dư luận xấu) về mình. Báo chí đưa tin ông A tham nhũng thì ông B, C, D… ông N sẽ rất sợ.
Bảy là, từ 5 tuổi trở lên, trẻ em, thiếu niên, thanh niên phải được giáo dục lặp đi lặp lại hàng trăm lần, thậm chí hàng ngàn lần 3 điểm cơ bản: 1.Phải sống trung thực, không được gian dối, không lừa đảo; 2.Phải có lòng yêu thương đồng loại bắt đầu từ bố mẹ, anh chị em đến láng giềng, cộng sự, cộng đồng… 3.Là thành viên trong xã hội, phải thực hiện nghiêm chỉnh bổn phận công dân, góp phần làm cho xã hội ngày một tươi đẹp hơn.
TS. Lê Hoàng Anh Tuấn? Cộng đồng quốc tế đánh giá cao về cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam thời gian qua. Ông có thể khái quát kết quả của nó như thế nào và liệu rằng Việt Nam có thể đẩy lùi được tham nhũng không?
PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương: Việt Nam là nước đang phát triển lại đang trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; hệ thống luật pháp chưa hoàn chỉnh và bộ máy công quyền còn nhiều bất cập trong quản lý kinh tế, quản lý xã hội. Trong điều kiện đó, tham nhũng phát sinh, tồn tại và phát triển. Đó không phải tất yếu nhưng rất khó khăn trong việc phòng, chống.
Hồ Chí Minh coi tham nhũng là “giặc nội xâm”2 và “chống tham ô cũng cân kíp như đánh giặc ngoài mặt trận”.
Trong thời kỳ chiến tranh (1945 – 1975), tham nhũng không có điều kiện phát triển (hầu như không có).
Trong cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp (1975 – 1986), tham nhũng không đáng kể.
Từ khi thực hiện đường lối đổi mới (cuối năm 1986), hệ thống luật pháp và các công cụ giám sát quyền lực chậm đổi mới và không theo kịp sự phát triển nhanh của nền kinh tế thị trường. Trong điều kiện đó, một số quan chức, chủ yếu là lãnh đạo một số doanh nghiệp sở hữu nhà nước, đã lợi dụng sơ hở của luật pháp và lỏng lẻo của hệ thống giám sát quyền lực để thực hiện các hành vi tham nhũng, vụ lợi cá nhân. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 1-2016 đã xác nhận: “Tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với biểu hiện vô cùng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”.3
Từ 1985 đến nay, Nhà nước Việt Nam đã quyết định nhiều chính sách phòng, chống tham nhũng và đã đạt được kết quả quan trọng. Từ sau Đại hội XII của Đảng CS Việt Nam, cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam đã được đặc biệt quan tâm với sự chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước. Trong hơn 2 năm (2016 – 2018), nhiều vụ tham nhũng lớn được điều tra, xét xử công khai, nghiêm minh. Với tư tưởng chỉ đạo “không có vùng cấm”, một số quan chức cấp cao4 phạm tội tham nhũng đã chịu các án phạt tù nghiêm khắc. Tài sản thu hồi từ các vụ tham nhũng trong hơn 2 năm qua (2016 – 2018) lớn gấp nhiều lần tài sản thu hồi được trong hơn 30 năm qua.
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam từ 2016 đã tạo ra bước ngoặt tích cực, đã củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng CS Việt Nam và sự quản lý của Nhà nước.
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quyết tâm đẩy lùi đi đến xóa bỏ “giặc nội xâm”.
TS. Lê Hoàng Anh Tuấn? Xoay quanh vấn đề này, ông có gợi ý hay nhắc nhở gì tới những quan chức tham nhũng và chưa tham nhũng không?
PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương:
Tôi muốn ngỏ lời tới những kẻ tham nhũng, rằng Thượng đế sinh ra các ngươi để làm con người. Thượng đế mong muốn phần “người” phải có vai trò là vua chúa, phần “con” chỉ là thứ dân, nô lệ. Có như vậy, xã hội loài người mới ngày một tốt đẹp hơn.
Tuyệt đại đa số cư dân trên hành tinh đều đã, đang và tiếp tục sống như mong muốn của Thượng đế.
Các ngươi – những kẻ tham nhũng – lại để cho phần “con” chi phối hành vi của mình, phần “con” của các người đã che lấp phần “người”. Các người đã trái với ý nguyện của Thượng đế, đã có hành vi đi ngược lại “luân thường đạo lý” ở đời; các người đã ăn cướp của đồng loại để “vinh thân phì gia”.
Thật cũng đáng thương cho những kẻ tham nhũng vì bọn họ chỉ tồn tại phần “con” trong thế giới văn minh của chúng ta!
Còn với những quan chức chưa tham nhũng, tối muốn nhắn nhủ rằng các quý ông, quý bà phải hết sức tỉnh táo, chớ nhầm lẫn.
Vàng, bạc, kim cương ai cũng thích, ai cũng cần, nhưng không phải là những thứ quý giá nhất.
Quý ông, quý bà hãy SỐNG TỬ TẾ, vì đó là tài sản quý giá nhất mà quý ông, quý bà để lại cho con, cháu và người đời!
Thực hiện: TS. Lê Hoàng Anh Tuấn
1 Thuật ngữ quan chức là nói chung về các thành viên trong bộ máy công quyền từ tổng thống (hoặc thủ tướng) đến các nhân viên trong bộ máy.
2 Thời Hồ Chí Minh (1945 – 1969) chưa dùng thuật ngữ tham nhũng mà dùng “tham ô” – một biểu hiện điển hình của tham nhũng.
3 Đảng CS Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XV.
Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.185.
4 Quan chức cao cấp là những người giữ chức chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh, thứ trưởng các bộ trở lên. Trong quân đội, công an, hàm thiếu tướng là cao cấp.