TIẾN SĨ. LUẬT GIA NGUYỄN THỊ LÊ TRÂM
Ủy viên Hội đồng Biên tập Tạp chí Pháp Luật & Kinh Tế Châu Âu
(Đăng trên Tạp chí Pháp luật và Kinh tế châu Âu, số 01 ngày 10/12/2021; Tr.41-52)
Tóm tắt: Tham nhũng là một vấn nạn xảy ra dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau ở các nước trên thế giới. Nạn tham nhũng đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống kinh tế, xã hội, kể cả chính trị, của nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, chống tham nhũng là một công việc quan trọng của chính phủ các nước. Do đặc thù của nghề nghiệp, phóng viên của các loại báo chí có điều kiện tìm hiểu sâu về nhiều vấn đề mà họ quan tâm trong đó có vấn đề tham nhũng. Trên thực tế, nhiều phóng viên đã có những đóng góp lớn trong việc điều tra khám phá các vụ án tham nhũng. Vì vậy cùng với các cơ quan chuyên trách của nhà nước, báo chí có vai trò quan trọng trong việc đấu tranh chống tham nhũng. Bên cạnh những biện pháp nghiệp vụ điều tra, những cơ sở pháp lý cần thiết sẽ giúp các phóng viên điều tra các hoạt động tham nhũng có hiệu quả hơn và cũng tránh được những rủi ro và nguy hiểm đối với họ. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung tìm hiểu vai trò và những khía cạnh pháp lý có liên quan đến hoạt động của báo chí điều tra (investigative journalism) chống tham nhũng. Nội dung nghiên cứu của bài viết góp phần gợi mở cho việc xây dựng và thực hiện những chính sách phù hợp giúp công tác điều tra chống tham nhũng hiệu quả hơn.
Từ khóa: tham nhũng, chống tham nhũng, báo chí điều tra
- Thực trạng vấn đề tham nhũng trên thế giới
Tham nhũng là một vấn nạn có lịch sử lâu đời và xảy ra ở tất cả các nước trên thế giới. Những biểu hiện phổ biến của tham nhũng thường là hối lộ, mua bán ảnh hưởng, lạm dụng chức vụ, và các hành vi tham nhũng khác nhau trong khu vực tư nhân. Hình thức và mức độ tham nhũng ở các nước rất khác nhau nhưng có một điểm chung là gây ra những thiệt hại trên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội. Trong một quốc gia, mức độ tham nhũng càng lớn thì thiệt hại đối với đất nước đó càng trầm trọng và càng khó giải quyết. Theo định nghĩa của Văn phòng chuyên trách về vấn đề Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (The United Nations Office on Drugs and Crime – UNODC), “Tham nhũng là một hiện tượng xã hội, chính trị và kinh tế phức tạp, ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia. Tham nhũng phá hoại các thể chế dân chủ, làm chậm sự phát triển kinh tế và góp phần vào sự bất ổn của chính phủ. Tham nhũng tấn công nền tảng của các thể chế dân chủ bằng cách bóp méo các quy trình bầu cử, phá hoại nhà nước pháp quyền và tạo ra những vũng lầy quan liêu mà lý do duy nhất tồn tại là nhờ hối lộ. Phát triển kinh tế bị đình trệ vì đầu tư trực tiếp nước ngoài không được khuyến khích và các doanh nghiệp nhỏ trong nước thường không thể vượt qua “chi phí khởi nghiệp” cần thiết chỉ vì tham nhũng”.[1] Định nghĩa này cho thấy tác hại ghê gớm của vấn nạn tham nhũng đối với mọi mặt của đời sống xã hội của một đất nước. Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, trung bình hàng năm vấn nạn tham nhũng đã gây ra sự lãng phí 2 nghìn tỉ đô la Mỹ (USD) cho các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, con số này được cho là chưa đúng với thực tế, chỉ là “đỉnh của tảng băng trôi” vì số liệu này chỉ tính đến số tiền chi cho hối lộ và không bao gồm những hậu quả kinh tế khó xác định hơn của các khoản đầu tư bị mất và mức độ thuế bị thất thu. Cũng theo tính toán của các nhà nghiên cứu, số tiền lãng phí 2 nghìn tỉ USD này có thể giúp giải quyết được bốn thách thức lớn trên phạm vi toàn cầu, bao gồm: 1) 116 tỉ USD dùng để xóa bỏ nạn đói cho khoảng 800 triệu người ở các nước nghèo vì thiên tai, dịch bện hoặc xung đột vũ trang; 2) 8,5 tỉ USD giúp xóa bỏ bệnh sốt rét hàng năm cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người, chẳng hạn năm 2015 có tới 212 triệu người nhiễm căn bệnh này và 429.000 người đã thiệt mạng vì không qua khỏi căn bệnh sốt rét; 3) 1 nghìn tỉ USD giúp đầu tư vào các dự án xây dựng cầu, đường, mạng lưới điện, góp phần thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng giữa các quốc gia; 4) 26 tỉ USD giúp cung cấp giáo dục cơ bản cho khoảng 100 triệu trẻ em ở 46 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trên thế giới.[2] Tuy nhiên, những số liệu đưa ra trong bốn vấn đề này chỉ là ước tính và chỉ có thể giải quyết được phần nào những thách thức lớn của nhân loại. Mặc dù vậy, các số liệu này góp phần minh họa cho mức độ lãng phí của lượng tiền do tham nhũng gây ra hàng năm đối với các nước trên thế giới.Trong báo cáo gần đây nhất (được công bố tháng 1-2021) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, (Transparency International, một liên minh toàn cầu chống tham nhũng), bức tranh tổng thể về tình trạng tham nhũng qua khảo sát ở 180 quốc gia và lãnh thổ trên toàn thế giới càng ảm đạm hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên khắp thế giới. Theo báo cáo của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, trong năm 2020 hoạt động chống tham nhũng ở nhiều nước trên thế giới đạt được rất ít kết quả, thậm chí có quốc gia không đạt được kết quả nào. Trong tổng số 180 quốc gia và lãnh thổ được khảo sát, 2/3 trong số này có Chỉ số nhận thức về tham nhũng (Corruption Perceptions Index – CPI) dưới 50 điểm trong thang bậc đánh giá từ 0-100 điểm của Tổ chức này, theo đó Chỉ số CPI càng cao thì mức độ tham nhũng càng thấp. Trong bảng xếp hạng Chỉ số CPI của các quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2020, Đan Mạch và New Zealand cùng được xếp hạng số 1 với Chỉ số CPI là 88 điểm. Bốn quốc gia khác là Phần Lan, Singapore, Thụy Điển, Thụy Sĩ cùng được xếp hạng thứ 3 với Chỉ số CPI là 85 điểm. Việt Nam xếp hạng thứ 104 với Chỉ số CPI là 36 điểm. Hai nước châu Phi là Somalia và Nam Sudan đứng cuối bảng xếp hạng thứ 179 với Chỉ số CPI chỉ có 12 điểm.[3] Mặc dù bảng xếp hạng này chỉ có tính chất tham khảo nhưng cũng cho thấy một thực tế là ngay cả những nước có trình độ phát triển cao ở châu Âu như Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, và Thụy Sĩ cũng không đạt được Chỉ số CPI tuyệt đối là 100 điểm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các quốc gia này không bị miễn nhiễm với vấn nạn tham nhũng. Ngoài ra, do 2/3 trong tổng số 180 nước và lãnh thổ trong bảng xếp hạng có Chỉ số CPI dưới 50 điểm cho thấy tình trạng tham nhũng còn khá nghiêm trọng trên thế giới trong năm 2020. Chính vì vậy, các chuyên gia khảo sát của Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho rằng vấn nạn tham nhũng không những gây khó khăn cho những nỗ lực chống lại đại dịch Covid-19 mà còn tiếp tục làm xấu đi cuộc khủng hoảng của nền dân chủ trên thế giới.[4] Với thực trạng đó, công tác phòng chống tham nhũng vẫn tiếp tục là một trong những nhiệm vụ khó khăn của hầu hết chính phủ các nước trên thế giới. Vì thế, cuộc chiến chống tham nhũng cần có sự tham gia của nhiều lực lượng khác nhau, trong đó có những người làm báo điều tra tham nhũng.
- Vai trò của báo chí điều tra chống tham nhũng
Trong cuộc chiến chống tham nhũng, ngoài những nỗ lực của các cơ quan chức năng của chính phủ các quốc gia còn có sự tham gia của một lực lượng đông đảo các nhà báo. Do tính chất nghề nghiệp, nhiều nhà báo có nghiệp vụ điều tra giỏi đã tham gia điều tra các vụ án tham nhũng lớn. Việc tham gia điều tra tham nhũng của các nhà báo giúp cho chính quyền sở tại phát hiện và xử lý các vụ án tham nhũng. Ngoài ra, việc các nhà báo điều tra thành công các vụ án tham nhũng sẽ giúp nâng cao uy tín và tính hấp dẫn của tờ báo mà họ đang phục vụ. Cho dù là với lý do gì, việc báo chí tham gia điều tra tham nhũng là một công việc cần thiết. Theo đánh giá của Văn phòng chuyên trách về vấn đề Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), các phương tiện truyền thông, kể cả truyền thông xã hội, đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng vì truyền thông có thể đòi hỏi trách nhiệm giải trình và sự minh bạch từ khu vực công và tư nhân thông qua việc đưa ra những thông tin về sự tham nhũng của khu vực công nơi có những hoạt động không minh bạch, thu hút sự chú ý của công chúng đối với những vấn đề đó để dẫn tới các cuộc điều tra chống tham nhũng.[5] Như vậy, sự điều tra của báo chí có vai trò phát hiện vụ việc tham nhũng. Đây là vai trò chính và quan trọng nhất của báo chí trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng.
Trên thực tế, nhiều vụ tham nhũng được phát hiện qua sự điều tra công phu của các nhà báo. Chẳng hạn với nhiều thông tin điều tra tham nhũng được công bố trên các phương tiện truyền thông của Nam Phi giúp cho các cơ quan công quyền của nước này tiến hành các cuộc điều tra suốt từ năm 2014 đến năm 2016 về những hoạt động được cho là bất hợp pháp và phi đạo đức của Tổng thống Nam Phi khi đó là Jacob Zuma. Kết quả là nhà lãnh đạo này phải từ chức tháng 2-2018. Ở Đan Mạch có hơn 30 tờ báo hàng ngày, bảy trong số này có phân phối quốc gia, phần còn lại là dựa trên khu vực. Mức độ tiêu thụ báo của Đan Mạch, với 311 bản trên 1000 dân. Ngoài ra còn có khoảng 140 giấy tờ địa phương miễn phí tại Đan Mạch.[6] Số lượng các cơ quan báo chí khá lớn đã tạo điều kiện cho Đan Mạch phát hiện và trừng trị các quan chức tham nhũng. Trường hợp ở Bulgaria năm 2019, các phóng viên của Đài phát thanh châu Âu Tự do phối hợp với nhân viên của một tổ chức phi chính phủ điều tra nhiều chính trị gia cao cấp và nhân viên công quyền khi họ mua được các căn hộ xa xỉ với giá thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường. Kết quả điều tra dẫn tới sự từ chức của Bộ trưởng Tư pháp cùng với ba thứ trưởng, một số nghị sĩ quốc hội, và người đứng đầu của Cơ quan chống tham nhũng Bulgaria.[7] Ở Việt Nam, theo Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng trong năm 2017, đã có 5 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản thu nhập, trong đó có cả cán bộ cao cấp. Năm 2017 có 39 trường hợp người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, tăng 28 người so với năm 2016. Ngoài ra, các cơ quan công quyền đã tiến hành 6.845 cuộc thanh tra hành chính, thu hồi 46.268 tỷ đồng, 5.008 ha đất, kiến nghị xử lý hành chính trên 2.057 tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 105 vụ, 214 đối tượng.[8]
Một vai trò khác không kém phần quan trọng của báo chí là tuyên truyền pháp luật, giúp nâng cao nhận thức của công chúng về công tác phòng chống tham nhũng. Những thông tin của báo chí bao gồm việc tuyên truyền luật pháp, quy định về phòng chống tham nhũng, tuyên truyền những hình mẫu về chống tham nhũng, những gương điển hình, cách làm hay trong chống tham nhũng. Sự tuyên truyền của báo chí giúp công chúng hình thành ý thức tôn trọng pháp luật, trong đó có luật phòng chống tham nhũng. Chẳng hạn, tại các nước có mức độ tham nhũng thấp như như Đan Mạch, Phần Lan, New Zealand, trẻ em từ khi biết nói đã được người lớn và các phương tiện truyền thông giáo dục là không được chạm vào bất cứ thứ gì không phải của mình và tôn trọng pháp luật. Ở các vùng ngoại ô, nông thôn, người dân có thói quen đặt những sạp hàng bên đường hay trước cổng, bày bán trái cây, hoa tươi, mật ong mà không cần người trông coi. Người mua cứ tự động bỏ tiền vào hộp theo giá niêm yết. Việc hình thành những thói quen như vậy là cả một quá trình lâu dài, tạo ra những nét đẹp trong đời sống xã hội, góp phần đáng kể hình thành ý thức phòng chống tham nhũng của công chúng.
Ngoài ra, vai trò của báo chí trong phòng chống tham nhũng còn được thể hiện trong việc giám sát quyền lực. Chẳng hạn, ở Đan mạch tất cả các Nghị sĩ quốc hội phải luôn sẵn sàng cung cấp thông tin chi tiết về hoạt động của mình cho báo chí. Một trong những vấn đề được báo chí Đan Mạch quan tâm là tiền thuế của người dân được chi tiêu như thế nào. Báo chí cũng có quyền theo dõi và giám sát hoạt động của Chính phủ. Từ đó, báo chí sẽ cung cấp thông tin một cách trung thực và công bằng đến độc giả. Thực tế ở Bắc Âu hay nhiều quốc gia có mức độ tham nhũng thấp cho thấy, các nỗ lực chống tham nhũng nếu không có sự vào cuộc của báo chí sẽ ít mang lại thành công. Theo đó, báo chí có thể giám sát, phát hiện và công khai các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, đồng thời cung cấp cho các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng các thông tin quan trọng và cần thiết để tiến hành xác minh và điều tra những nghi vấn tham nhũng. Ngoài ra, báo chí cũng có thể cổ vũ, khuyến khích người dân tham gia những sáng kiến phòng chống tham nhũng, mạnh dạn tố cáo các hành vi tiêu cực và có thể tham gia điều tra theo các tố cáo về những nghi vấn tham nhũng.
- Khía cạnh pháp lý của báo chí điều tra chống tham nhũng
Trên phương diện pháp lý, có hai cấp độ là quốc tế và quốc gia. Ở cấp độ quốc tế, cho đến nay, Công ước chống tham nhũng của Liên hợp quốc vẫn được coi là công cụ pháp lý ràng buộc duy nhất chống tham nhũng ở cấp độ toàn cầu. Nội dung bản Công ước chống tham nhũng của Liên hợp quốc có năm lĩnh vực chính, bao gồm: 1) Các biện pháp phòng ngừa; 2) Hình sự hóa và thực thi pháp luật; 3) Hợp tác quốc tế; 4) Thu hồi tài sản; 5) Hỗ trợ kỹ thuật và trao đổi thông tin. Tính đến ngày 11-8-2021, có 188 nước là thành viên của Công ước chống tham nhũng.[9] Như vậy, đại đa số các nước thành viên của Liên hợp quốc đã tham gia văn kiện quan trọng này. Với tư cách thành viên của bản Công ước, các quốc gia thành viên khi hoạch định và thực thi chính sách chống tham nhũng ở quốc gia của mình nhất thiết phải dựa trên cơ sở pháp lý ở tất cả năm lĩnh vực chủ chốt của bản Công ước chống tham nhũng của Liên hợp quốc. Đối với các nhà báo tham gia điều tra tham nhũng ở các quốc gia thành viên của bản Công ước, họ có thể căn cứ vào những qui định trong lĩnh vực 3 và lĩnh vực 5 của Công ước chống tham nhũng của Liên hợp quốc, tức là thực hiện hợp tác quốc tế để nhận được những hỗ trợ kỹ thuật và trao đổi thông tin với các đối tác nước ngoài trong việc điều tra các vụ án tham nhũng xuyên quốc gia.
Cũng ở cấp độ quốc tế, những khuyến nghị của Tổ chức Minh bạch Quốc tế rất đáng chú ý. Trong báo cáo về vấn đề tham nhũng toàn cầu năm 2020, Tổ chức Minh bạch Quốc tế đưa ra bốn khuyến nghị nhằm cắt giảm tình trạng tham nhũng toàn cầu. Thứ nhất là phải củng cố các thiết chế để đảm bảo có đủ nguồn lực cho các ơ quan chức năng thực hiện công tác điều tra chống tham nhũng. Thứ hai là thực hiện cơ chế đấu thầu mở, công khai và minh bạch để không tạo ra những kẽ hở về luật pháp cho các hoạt động tham nhũng trong việc đấu thầu và ký kết hợp đồng trong các loại dự án. Thứ ba là tiếp tục bảo vệ chế độ dân chủ và thúc đẩy vai trò của xã hội dân sự trong bối cảnh những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra nhằm đảm bảo thực hiện tốt trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực công và tạo nhiều điều kiện hơn cho các thành tố của xã hội dân sự trong đó có truyền thông tham gia vào việc giám sát trách nhiệm giải trình của các nhà chức trách. Thứ tư là vấn đề công bố các dữ liệu cần thiết và đảm bảo việc tiếp cận các dữ liệu đó. Những dữ liệu được công bố bao gồm việc chi tiêu công, phân bổ ngân sách, đặc biệt là cho các vấn đề thuộc tình trạng khẩn cấp. Công chúng có quyền tiếp cận những dữ liệu này một cách dễ dàng để giám sát tính chất công bằng và minh bạch trong việc phân bổ nguồn lực của cơ quan công quyền.[10] Bốn khuyến nghị của Tổ chức Minh bạch Thế giới đưa ra dựa trên những khảo sát hàng năm về thực trạng tham nhũng của các nước trên thế giới do các chuyên gia hoạt động cho tổ chức này thực hiện. Vì thế, những khuyến nghị này không mang tính ràng buộc về pháp lý như những qui định và cam kết trong Công ước chống tham nhũng của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, đây là những khuyến nghị nên tham khảo cho các nước trong việc xây dựng các cơ chế pháp lý phù hợp cho quốc gia mình để nâng cao năng lực và mức độ hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng.
Ở cấp độ quốc gia, các chuyên gia và các nhà nghiên cứu đưa ra nhiều đề xuất khác nhau có liên quan đến khía cạnh pháp lý để đảm bảo tính hiệu quả của hoạt động điều tra khi các nhà báo tham gia điều tra các vụ tham nhũng. Một ví dụ có thể tham khảo là ý kiến của các nhà nghiên cứu người Nauy, Kalle Moene và Tina Søreide. Ý kiến của họ cho rằng các nhà báo điều tra các vụ tham nhũng cần nhận được sự ủng hộ của xã hội và trong một số trường hợp là sự ủng hộ của quốc tế, đặc biệt là các nhà báo điều tra tham nhũng ở những nơi có nhiều rủi ro và nguy hiểm. Những sự ủng hộ đó cần được luật hóa, chẳng hạn như họ được quyền tiếp cận với nguồn thông tin, quyền được viết và công bố các báo cáo điều tra, và quyền được pháp luật bảo vệ trước mọi rủi ro hoặc nguy hiểm, đặc biệt là ở những nơi có chế độ chuyên quyền độc đoán.[11]
Trong khi đó, chuyên gia Việt Nam Vũ Văn Tiến trong một công trình nghiên cứu khá công phu đã đưa ra một số khuyến nghị về kỹ năng điều tra cho các nhà báo để tránh những sai sót và rủi ro trong quá trình điều tra các vấn đề tham nhũng. Những khuyến nghị này ở những mức độ khác nhau đều hàm chứa nhiều khía cạnh pháp lý cụ thể như sau.
Tránh “sập bẫy” văn bản đóng dấu MẬT. Kinh nghiệm trên nếu không được tôn trọng sẽ dẫn đến một số tình huống phóng viên bị “sập bẫy” của những người khiếu kiện, thiếu trung thực khi họ giấu đi các chứng cứ bất lợi cho họ, mà chỉ cung cấp những văn bản đã bị cắt xén, sao chép không minh bạch. Hậu quả là khi đăng bài, phóng viên và tòa soạn phải cải chính, xin lỗi bạn đọc. Trường hợp hậu quả đăng tin bài sai phạm đến mức nghiêm trọng, phóng viên điều tra có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị tòa án yêu cầu bồi thường. Chính vì vậy, trong trường hợp này, nếu phóng viên muốn đưa các thông tin có trong nội dung văn bản đã đóng dấu MẬT nói trên cần liên hệ với các cơ quan ban hành văn bản, cách tốt nhất là phỏng vấn trực tiếp người đã ký văn bản đó để họ chia sẻ trách nhiệm về thông tin.
Không sử dụng tài liệu điều tra là các văn bản bị, cắt, xén. Thực tế, có rất nhiều bạn đọc khi đi khiếu kiện đã chủ động cắt xén văn bản (kết luận điều tra, kết luận thanh tra, bản án) để tránh những chi tiết bất lợi cho họ. Nếu phóng viên chỉ dựa vào các văn bản này mà bỏ qua các bước kiểm tra, xác minh ở các cơ quan đã ban hành văn bản, bài viết khi đăng tải sẽ không khách quan và bị sai lệch sự thật. Trong trường hợp này, phóng viên cần khắc phục bằng việc đi đến các cơ quan ban hành văn bản làm công việc đối chiếu so sánh các văn bản gốc, hồ sơ thu thập được. Nếu các cơ quan đơn vị phát hành văn bản ở xa, phóng viên không có điều kiện đến trực tiếp xác minh, họ có thể gửi công văn của tòa soạn cùng hồ sơ qua đường bưu điện đề nghị các cơ quan ban hành văn bản kiểm tra, đối chiếu tính xác thực của văn bản, sau đó phóng viên mới thực hiện bài viết.
Không trở thành “nạn nhân” của các bài báo giả. Có hiện tượng các bài báo giả mượn danh hoặc gắn mác nhà báo thật. Phóng viên điều tra thiếu kinh nghiệm có thể sử dụng thông tin, hoặc đăng lại trọn vẹn các bài báo giả này trên báo của mình. Hậu quả là gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của tòa soạn cũng như khiến dư luận hiểu sai nội dung sự việc. Để khắc phục tình trạng trên, khi tác nghiệp sử dụng các tài liệu của báo bạn, phóng viên điều tra cần tiến hành các bước đầy đủ như việc xác minh tài liệu thanh tra, kiểm tra nguồn tin, v.v., cần phải đến tòa soạn các báo để họ xác nhận việc có xuất bản các trang báo đó hay không để đảm bảo tính khách quan và sự chân thực của thông tin.
Đề nghị bạn đọc viết lại đơn trực tiếp tại tòa soạn. Khi tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo của bạn đọc gửi đến tòa soạn, thông thường phóng viên điều tra khó nhận biết được nội dung trên đơn là thật hay giả? Hoặc đơn khiếu nại đó có phải do người khác viết nhằm đạt được mục đích khác hay không? Do vậy, nếu có điều kiện trước khi tác nghiệp phóng viên điều tra nên đề nghị người đứng đơn tố cáo, hoặc đơn khiếu nại viết và ký lại vào đơn thư như đã gửi tòa soạn. Bằng cách này, nhiều đơn thư của kẻ giấu mặt xúi dục người khác làm việc xấu sẽ bị lật tẩy. Thực tế hiện nay, việc đi khiếu kiện thuê, khiếu kiện hộ đã xẩy ra, do vậy nếu phóng viên điều tra không tỉnh táo sẽ rất dễ công bố thông tin sai lệnh, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của những người bị tố cáo mà không có giá trị trước pháp luật.
Kiến thức chuyên môn chưa vững, cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia. Làm báo là quá trình tự học, bồi dưỡng kiến thức để dần hoàn thiện mình. Trong quá trình tác nghiệp viết các bài điều tra, phản ánh mà nhà báo gặp các nội dung cần đến kiến thức chuyên môn sâu, các nội dung cần đến kiến thức chuyên ngành, lĩnh vực đặc thù mà bản thân nhà báo còn thiếu thì nhất thiết phải tranh thủ tham khảo ý kiến của các chuyên gia có chuyên môn sâu trong lĩnh vực đó như: công tố viên, kiểm sát viên, bác sỹ, kiến trúc sư, luật sư, v.v. Tránh trường hợp một số phóng viên điều tra ngại đi tìm hiểu thực địa hoặc học hỏi thêm về chuyên môn của một lĩnh vực cụ thể đang điều tra nhưng lại đưa ra những báo cáo điều tra với những thông tin thiếu căn cứ làm cho dư luận hiểu sai vấn đề, gây ra những hậu quả xấu cho xã hội.
Không được khẳng định vụ việc “đúng, sai” khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng. Dư luận đã từng lên án, phản đối kịch liệt một số nhà báo điều tra khi viết mảng chống tiêu cực thường hay làm thay nhiệm vụ của các cơ quan có thẩm quyền bằng cách tự cho mình quyền phán xét đúng sai, hoặc buộc tội các cá nhân, tập thể, thay cho tòa án. Đó là cách viết điều tra theo kiểu quy chụp dễ dãi, thiếu trách nhiệm của không ít phóng viên khi trình độ nghiệp vụ còn non nớt. Trong trường hợp một sự kiện, một vụ việc diễn ra giữa bên A và bên B có những điểm còn phải bàn luận và tranh cãi, phóng viên điều tra không nên kết luận sự việc đúng hoặc sai. Đối với các phóng viên Việt Nam, họ phải luôn nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà, nhà báo phải viết đúng sự thật, chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”.
Sẵn sàng đón nhận “đòn đánh” tâm lý. Quá trình điều tra theo đơn thư của bạn đọc, phóng viên có thể nhận được nhiều cuộc gọi điện thoại xưng danh là cán bộ công an, tòa án, lãnh đạo các tỉnh thành hay các doanh nghiệp đề nghị làm việc hoặc đe dọa đối với phóng viên, hoặc có thể yêu cầu phóng viên không công bố tin đã điều tra được. Trong những tình huống như vậy, phóng viên điều tra cần viết bài khẩn trương và báo cáo ngay đến ban Biên tập của tòa soạn báo, giữ các nhật ký cuộc gọi, tin nhắn để sau này cung cấp cho Ban Biên tập và các cơ quan chức năng.[12]
Như vậy, những khía cạnh pháp lý ở cả cấp độ quốc tế và quốc gia là rất quan trọng và cần thiết đối với hoạt động điều tra của báo chí. Việc đảm bảo nguyên tắc, kỹ năng điều tra dựa trên những cơ sở pháp lý cần thiết của các nhà báo sẽ giúp họ phát huy hết được năng lực của mình, đảm bảo được tính mạng, giữ vững tinh thần đấu tranh chống tiêu cực cho phóng viên. Trên thực tế, thể loại điều tra chống tham nhũng, đặc biệt là chức năng phát hiện và trừng trị tham nhũng là một trong những vấn đề khó và nguy hiểm nhất. Theo thống kê của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, mỗi tuần có ít nhất một nhà báo bị giết ở một đất nước có mức độ tham nhũng cao. Phân tích trong đó kết hợp dữ liệu từ Ủy ban Bảo vệ các nhà báo (Committee to Protect Journalists), cho thấy tất cả các nhà báo đã bị giết trong sáu năm qua kể từ năm 2012, 9 trong số 10 người thiệt mạng tại các quốc gia có chỉ số tham nhũng CPI từ 45 điểm hoặc ít hơn.[13] Không chỉ khó khăn và nguy hiểm từ đối tượng tham nhũng mà còn từ những bằng chứng, những nhân chứng. Nếu không có sự cẩn thận trong việc xử lý nguồn thông tin, kiểm tra thông tin, áp dụng đúng và đầy đủ các nguyên tắc và vận dụng các kỹ năng thì khó có thể tìm ra sự thật một cách đúng và đầy đủ đem đến cho công chúng. Bởi như người ta vẫn thường nói “một nửa sự thật không phải là sự thật”. Ngoài ra trong việc điều tra phòng chống tham nhũng, nhà báo cần phải cẩn thận trước những thông tin mình đọc, mình nghe thấy. Việc đưa thông tin sai lệch có thể dẫn đến hệ lụy làm ảnh hưởng đến sự nghiệp của các nhà báo. Đồng thời, nhà báo cũng cần trau dồi về những kiến thức, kỹ năng, và cả sự can đảm, tạo cho mình những nguyên tắc “bất di bất dịch” trong tác nghiệp nghề báo. Thực tế cho thấy, nhiều quốc gia vẫn xem nhẹ việc đào tạo và bổ sung kiến thức cho nhà báo. Thông tin, công nghệ, hay chính sách ngày càng được bổ sung, hiện đại lên, đòi hỏi các nhà báo phải có một trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt hơn trước. Việc đào tạo nhà báo trước những đòi hỏi từ công tác điều tra tham nhũng là một điều cần làm từ những cơ quan tổ chức, cơ quan chủ quản và hỗ trợ từ Nhà nước.
Ngoài ra, Ban biên tập, lãnh đạo cơ quan báo chí đều phải chia sẻ trách nhiệm trong công tác điều tra chống tham nhũng với phóng viên. Từ những chứng cứ điều tra của phóng viên, lãnh đạo cơ quan báo chí chủ quản sẽ quán xuyến được công việc của phóng viên đang triển khai, sẵn sàng xử lý các “sự cố” mà phóng viên gặp phải. Việc kết hợp với tòa soạn, cũng giúp tòa soạn kiểm soát và định hướng cho phóng viên trong lúc tác nghiệp từ đó truyền dạy những kinh nghiệm những kiến thức, hoặc bổ sung kỹ năng cho phóng viên nhằm tạo nền tảng và giúp phóng viên vượt qua khó khăn trong việc điều tra phòng chống tham nhũng.
- Kết luận
Tham nhũng là một vấn nạn chung cho hầu hết các quốc gia trên thế giới, đồng thời cũng là một nhiệm vụ rất khó khăn mà cho đến nay chưa thể có những giải pháp hoàn hảo để giải quyết triệt để vấn đề này. Cùng với những nỗ lực của chính phủ các nước trên thế giới, sự tham gia của lực lượng báo chí điều tra tham nhũng ở nhiều nước đã có những đóng góp to lớn trong việc đấu tranh chống tham nhũng thể hiện rõ qua những vai trò mà lực lượng này đã đảm nhiệm trong nhiều năm qua. Những cơ sở pháp lý cho hoạt động điều tra tham nhũng của báo chí có vai trò rất quan trọng, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của báo chí điều tra chống tham nhũng. Tuy nhiên, do điều kiện và hoàn cảnh của mỗi quốc gia rất khác nhau nên việc hoạch định và thực thi chính sách và pháp luật trong lĩnh vực điều tra tham nhũng cũng không giống nhau và cần có sự linh hoạt nhất định để nâng cao hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng. Khó có thể dự báo được thực trạng tham nhũng và hồi kết của cuộc chiến chống tham nhũng trên thế giới do tính chất phức tạp của nó, vì thế việc quan tâm đến công tác điều tra chống tham nhũng nói chung và hoạt động điều tra tham nhũng của báo chí nói riêng vẫn là việc làm cần thiết và thường xuyên, góp phần xây dựng xã hội công bằng, dân chủ và văn minh cho các dân tộc trên thế giới.
[1] The United Nations Office on Drugs and Crime. UNODC’s Action against Corruption and Economic Crime. https://www.unodc.org/unodc/en/corruption/index.html. Truy cập: 5-12-2021.
[2] Stéphanie Thomson. We waste $2 trillion a year on corruption. Here are four better ways to spend that money. https://www.weforum.org/agenda/2017/01/we-waste-2-trillion-a-year-on-corruption-here-are-four-better-ways-to-spend-that-money. World Economic Ennual Forum meeting. Davos-Klosters, Switzerland, 12 January 2017.
[3] Transparency International. Corruption Perceptions Index 2020. https://images.transparencycdn.org/images/CPI2020_Report_EN_0802-WEB-1_2021-02-08-103053.pdf. Tr. 4. Truy cập: 5-12-2021.
[4] Corruption Perceptions Index 2020. Tlđd.
[5] The role of the media in fighting corruption. Tlđd.
[6] Danmark. Basic Data. pressreference.com, http://www.pressreference.com/Co-Fa/Denmark.html
[7] United Nations Office on Drugs and Crime (UNODC). The role of the media in fighting corruption. https://www.unodc.org/e4j/en/anti-corruption/module-10/key-issues/the-role-of-the-media-in-fighting-corruption.html. Truy cập 5-12-2021.
[8] Báo An ninh Thủ đô. Chính phủ báo cáo Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng. https://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/chinh-phu-bao-cao-quoc-hoi-ve-cong-tac-phong-chong-tham-nhung/747095.antd. Truy cập: 10-5-2020.
[9] United Nations Convention against Corruption. https://www.unodc.org/unodc/en/corruption/uncac.html. Truy cập: 5-12-2021.
[10] Corruption Perceptions Index 2020. Tlđd. Tr. 5.
[11] Kalle Moene and Tina Søreide. Combating Corruption: Investigative Journalists on the Frontlines. Paper prepared for the volume Making Transparency Possible: An Interdisciplinary Dialogue, edited by Roy Krøvel and Mona Thowsen. Oslo: Cappelen Damm, 2019. https://www.researchgate.net/publication/331676641_Combating_Corruption_Investigative_Journalists_on_the_Frontlines/link/5e83401f299bf130796bae36/download. Truy cập: 29-11-2021.
[12] Vũ Văn Tiến. Điều tra và dấn thân trong nghề báo. NXB Công an nhân dân. Hà Nội 2018. Tr. 26-29.
[13] Transparency International. Corruption Perceptions Index 2017. https://www.transparency.org/news/feature/corruption_perceptions_index_2017. Truy cập: 26-11-2021.